Đóng Kaesong - 2 miền cùng thiệt

Quyết định đóng cửa khu công nghiệp Kaesong ở thành phố Kaesong của Triều Tiên vào tuần trước đang gây thiệt hại nặng nề cho cả 2 phía, trong khi dự báo tác động lâu dài còn lớn hơn.

Quyết định đóng cửa khu công nghiệp Kaesong ở thành phố Kaesong của Triều Tiên vào tuần trước đang gây thiệt hại nặng nề cho cả 2 phía, trong khi dự báo tác động lâu dài còn lớn hơn.

Kaesong được thành lập từ năm 2004, là sản phẩm của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên năm 2000. Nó là biểu tượng cao nhất và cụ thể nhất cho sự hợp tác giữa 2 miền, đồng thời là bằng chứng cho thấy cả 2 miền Triều Tiên đều hưởng lợi nhờ hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên, điều đó đã không còn sau khi Triều Tiên cấm công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp, sau đó rút tất cả công nhân về. “Nó là biểu tượng hòa giải và thống nhất 2 miền. Cả 2 miền không thể để mất nó” - theo Yang Moo-jin, một giáo sư của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên.

Công nhân Triều Tiên làm việc trong một nhà máy chế biến tỏi tại Kaesong.

Công nhân Triều Tiên làm việc trong một nhà máy chế biến tỏi tại Kaesong.

Choi Byung-geun, một ông chủ Hàn Quốc tại Kaesong, đã để ý những thay đổi lớn trong cách ăn mặc và phục sức của những công nhân Triều Tiên đến làm việc ở khu công nghiệp chung Kaesong.

Ông Choi nói: “Trước đây, phụ nữ Triều Tiên thường đánh các loại mỹ phẩm rẻ tiền đến nỗi không thể che được lớp da của họ, nhưng điều đó không còn nữa, ngày nay họ dùng các loại mỹ phẩm tốt hơn nhiều”.

Ông Choi nói những thay đổi này cho thấy đời sống của nhiều công nhân Triều Tiên đã được cải thiện đến độ nào nhờ khu công nghiệp chung. Sản xuất ngưng trệ khiến ông Choi Byung-geun, người đã đầu tư 1 tỷ won (885.000USD) vào nhà máy ở Kaesong, gần như sụp đổ.

Ngày càng nhiều công nhân Hàn Quốc trở về nhà từ Kaesong sau khi không có dấu hiệu cho thấy khu công nghiệp chung sẽ sớm mở cửa lại. Hàng đoàn xe hơi, xe tải dài từ Kaesong đã quay về Hàn Quốc với đầy nguyên liệu thô và các sản phẩm dở dang như một cách giảm bớt thiệt hại. Đây là lần đầu tiên khu công nghiệp bị đóng cửa vì căng thẳng chính trị.

Trước đó, khu công nghiệp vẫn hoạt động ngay cả những lúc 2 miền rất căng thẳng, như năm 2010 khi Triều Tiên đánh chìm 1 tàu chiến của Hàn Quốc và thả bom một hòn đảo của Hàn Quốc khiến 50 cư dân thiệt mạng. Việc đóng cửa đột ngột đã gây tổn thất cho hơn 120 công ty Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 500 triệu USD vào khu công nghiệp để sản xuất những sản phẩm như quần áo, giày dép, đồng hồ…

Khu công nghiệp đã sản xuất khoảng 470 triệu USD hàng hóa năm ngoái, là nơi cung cấp cơ hội hiếm có cho các công ty nhỏ ở Hàn Quốc có thể tận dụng lao động giá rẻ của Triều Tiên với mức lương chỉ 67USD/tháng, chỉ 1/4 so với lương ở Trung Quốc.

Nhưng tất cả đã thay đổi. “Tất cả chúng tôi đều không thể gồng gánh thêm. Nếu tình trạng này tiếp tục, chúng tôi đều phá sản” - Yoo Chang-geun, Giám đốc Công ty Bán dẫn SJTech và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Kaesong, nói.

Nhiều chuyên gia trước đây không thể tưởng tượng Triều Tiên có thể đóng cửa Kaesong, vì Bình Nhưỡng thu về gần 100 triệu USD mỗi năm từ khu công nghiệp này. Đây cũng là nơi cung cấp việc làm lớn nhất cho người Triều Tiên ở Kaesong, thành phố lớn thứ ba tại miền Bắc.

Các nhà phân tích ước tính nếu Bình Nhưỡng đóng cửa Kaesong vĩnh viễn, đời sống của khoảng 200.000 người Triều Tiên ở thành phố Kaesong sẽ bị “xuống cấp”, bao gồm những công nhân làm việc trong khu công nghiệp, những người có thu nhập cao hơn các công nhân nơi khác, thậm chí sau khi chính phủ lấy đi 90% lương của họ. Một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đóng cửa khu công nghiệp chỉ vì giận dữ sau khi báo chí miền Nam nói Kaesong là “hộp đô la” của chế độ.

Nhưng một số chuyên gia tin rằng việc các công nhân ở Kaesong ngày càng có khuynh hướng “tư bản” hơn khiến các nhà lãnh đạo khó chịu. “Nếu họ nghĩ Kaesong không hữu ích cho chính phủ, họ có thể đóng cửa nó bất cứ lúc nào” - theo Hwang Byung-duk của Viện Thống nhất Triều Tiên.

Các tin khác