Khi phương Tây quyết định áp dụng giá trần dầu mỏ, Nga rất hy vọng những đồng minh thân thiết tại châu Á sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, tuy nhiên Moskva đã phải thất vọng.
Câu chuyện về lập trường "không chắc chắn" của Ấn Độ trong vấn đề ủng hộ sáng kiến của các nước G7 liên quan đến "trần giá" đối với dầu của Nga dường như sắp đi đến hồi kết.
Đổi lại việc từ chối thỏa thuận với phương Tây, Nga sẵn sàng cung cấp nguyên liệu thô cho New Delhi với mức chiết khấu lớn chưa từng có. Theo một số thông tin, Ấn Độ đang mua dầu của Nga với giá rẻ hơn 30% mức trung bình của thị trường.
Bằng động thái áp giá trần với dầu Nga và cảnh báo trừng phạt những quốc gia không tuân thủ, các nước phương Tây thuộc nhóm G7 đã trao cho New Delhi một công cụ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Moskva - quốc gia buộc phải tìm kiếm sự thay thế cho thị trường châu Âu.
Tờ Business Standard của Ấn Độ, trích dẫn các nguồn tin trong chính phủ nước này cho hay, Nga đã đề nghị New Delhi mức chiết khấu sâu hơn (ngoài mức hiện tại) đối với giá dầu nếu Ấn Độ không ủng hộ sáng kiến của các nước G7.
Một đại diện của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói với tờ Business Standard: "Yêu cầu của Nga là chúng tôi không tham gia đề xuất hạn chế giá dầu do G7 đưa ra. Quyết định về vấn đề này sẽ được đưa ra sau khi tiến hành cân nhắc".
"Chính phủ của chúng tôi lo ngại về tình hình bất ổn ở Iraq, nhà cung cấp nguồn năng lượng chính của Ấn Độ, vì vậy việc mua hàng từ Liên bang Nga là rất quan trọng để duy trì việc cung cấp nguyên liệu thô".
Trong trường hợp này, mong muốn của phía Nga là điều dễ hiểu. Moskva không thể từ chối việc bán hàng ở châu Á. Đến lượt mình, Ấn Độ không muốn ngừng mua nguyên liệu thô cho nhu cầu trong nước.
Chỉ có điều là bây giờ New Delhi đang ở vị thế tốt hơn Nga rất nhiều, cuộc thảo luận toàn cầu liên quan đến "trần giá" dầu mỏ đã mang lại lợi thế cho khách hàng so với người bán.
Nhưng điều đáng lưu ý ở đây chính là lập trường "cửa dưới" của Nga và hơn nữa, “tư thế” không rõ ràng của các đại diện của Ấn Độ cho thấy rằng biện pháp do phương Tây đề xuất nhằm hạn chế giá dầu của Nga thực sự đã được có tác dụng.
Cố gắng duy trì một trong những quy tắc xuất khẩu quan trọng, bản thân Moskva buộc phải giảm giá cho một sản phẩm phổ biến, và đến mức mà phương Tây muốn thiết lập, thậm chí không cần phải thuyết phục các quốc gia khác.
Ở mức tối thiểu, giới phân tích cho rằng Ấn Độ sẽ sớm nhận được nguồn cung dầu trong tương lai theo hợp đồng với điều khoản chiết khấu lớn hơn nhiều so với mức Nga đề xuất và Moskva khó lòng từ chối, miễn là nó cao hơn mức giá trần bị áp đặt.
Trước đó, sau một chuyến thăm của phái đoàn Mỹ, giới chức Ấn Độ đã giảm mạnh lượng dầu nhập khẩu từ Nga, mức sụt giảm ước tính lên tới trên 40%.
Với thực tế những gì diễn ra, rõ ràng vô cùng khó khăn cho Nga trong việc tìm được thị trường mới đủ khả năng thay thế cho châu Âu đối với việc xuất khẩu năng lượng.