Ngày 22-5 hàng năm được Liên Hợp quốc chọn là Ngày quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học. Năm nay, Ngày quốc tế đa dạng sinh học được Liên Hợp quốc phát động với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”.
Trên tình thần này, chương trình trồng rừng ở Đồng Nai nhằm góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. Chương trình cũng góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết, và sự trân trọng của công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp về tầm quan trọng của trồng rừng phục hồi hệ sinh thái.
Để làm giàu rừng nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn nguồn gen và hệ sinh thái đặc trưng của khu rừng, Gaia tuyển chọn các loài cây giống là các loài gỗ lớn bản địa như: bằng lăng, cẩm lai, chiêu liêu, gõ mật, huỷnh, trắc đen, lim…
Chương trình trồng rừng ở tỉnh Đồng Nai nhằm góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050 |
Trước đó, năm 2018, khu rừng đầu tiên trông cũng đã đạt tỷ lệ sống tới 86%, có những cây đã cao tới 6,3m. Báo cáo giám sát khu rừng với số liệu và hình ảnh giám sát cụ thể sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị tài trợ khu rừng.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học nghiêm trọng do tác động của con người.
Tiêu biểu cho hiện tượng suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam là các quần thể voi tại Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng tới 95% trong giai đoạn từ 1975-2015. Hiện nay, trên toàn quốc chỉ còn khoảng 50-00 con, trong đó ở Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai còn đàn Voi khoảng 16-21 con. Trước đó, năm 2010, đã có 7 con voi bị đầu độc chết tại tỉnh Đồng Nai do phá hoại nương rẫy của người dân để tìm thức ăn.
Nhiều loài thú lớn khác cũng đang trên bờ tuyệt chủng. Suy thoái đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống con người, đến an ninh sinh thái quốc gia. Việc trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái nhằm làm giàu rừng, tạo môi trường sống an toàn, đủ đầy về nguồn thức ăn cho voi cùng các loài động vật hoang dã khác chưa bao giờ trở nên cấp thiết như vậy.