Ngày 9-7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và VKTTĐPN đến năm 2010, định hướng đến 2020; và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW.
Tại hội nghị, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, Đông Nam bộ và VKTTĐPN có vai trò, vị trí, tầm quan trọng, dư địa phát triển lớn, nhưng chưa phát triển tương xứng. Nguyên nhân do thiếu quy hoạch hiện đại, tính liên kết, phối hợp trong vùng còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế điều hành toàn vùng, thiếu cơ chế huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước và cơ chế để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.
Tiềm năng, thế mạnh nhưng… mạnh ai nấy làm
Tiềm năng, thế mạnh nhưng… mạnh ai nấy làm
Sau đó 3 ngày, ngày 12-7, cũng tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị tổng kết và triển khai kết luận của Thủ tướng. Chủ trì là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Trong phần phát biểu của mình, ông Mãi có nói về liên kết vùng: “Thời gian qua việc liên kết vùng chúng ta làm không được nhiều và gần như không được gì, chúng ta hay nói mạnh nhất chính là mạnh ai nấy làm, mà chỗ này cần phải ngồi lại”.
Liên kết VKTTĐPN sẽ là một đầu tàu kinh tế cả nước với trọng tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Câu kết luận của ông Mãi rất ấn tượng là “từng tỉnh thành ai cũng mạnh, nhưng mạnh ai nấy làm”. Để liên kết được Đông Nam bộ bao gồm 8 tỉnh thành, nhiều người đề xuất cần thành lập hội đồng vùng để lãnh đạo, trong đó có một nhạc trưởng.
Thực tế, việc hình thành nên tổ chức lãnh đạo các VKTTĐ đã có từ năm 2004, mỗi vùng do 1 Phó Thủ tướng phụ trách (nước ta hiện nay có 4 VKTTĐ). Nhưng cơ chế này hoàn toàn không hoạt động. Trong một nghiên cứu khá công phu, GS. Nguyễn Thị Cành đề xuất mô hình có tên gọi Hội đồng VKTTĐPN. Hội đồng vùng được thành lập như cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ, có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu riêng, được cấp và sử dụng ngân sách, có bộ máy hoạt động chuyên trách.
Về cơ cấu thành viên, Hội đồng vùng do một Ủy viên Bộ Chính trị (là Bí thư một địa phương trong vùng) làm Chủ tịch. Các thành viên khác bao gồm Chủ tịch UBND các tỉnh/TP, lãnh đạo một số bộ, ngành và một số thành viên chuyên trách. Tuy nhiên đề xuất này bị bác bỏ, vì theo cơ cấu tổ chức không có cấp hành chính này.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cơ quan vùng không phải là cơ quan cấp trên của tỉnh, TP; không chính danh, không có địa vị pháp lý nên không có quyền lực, không có ngân sách. Về cơ chế liên kết vùng, ông Dũng cho biết đây không phải là vấn đề mới, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất sâu và rất lâu nhưng không làm được. Nhưng như thế không có nghĩa bỏ qua hay bó tay, bởi cả một vùng như thế ai là người đứng ra điều hành, điều phối các đơn vị trong vùng có diện tích rộng hơn 30.000km2 với hơn 20 triệu dân này?
Cần một hội đồng nhưng không phải “hữu danh vô thực”
Chúng ta cần tham khảo một số mô hình vùng trên thế giới đang hoạt động hiệu quả. Ở Pháp, Bỉ thành lập vùng bao gồm một số tỉnh và khu vực đặc biệt, đứng đầu chính quyền vùng là thống đốc vùng. Vị này có quyền lực và vùng cũng có ngân sách. Ở Đông Nam Á có 2 TP có Hội đồng vùng, là Hội đồng các thị trưởng của Metro Manila (Philippines) bao gồm 17 TP, và Hội đồng vùng JABOTABEK của Indonesia. Đây là mô hình gần với ta nhất.
JBOTABEK là viết tắt của 4 chủ thể độc lập trong vùng đô thị thủ đô Indonesia, bao gồm Jakarta, Bogor, Tangerang, Bekasi. JABOTABEK có diện tích rộng 6.500km2, dân số 31.500.000 người. Để JABOTABEK hoạt động hiệu quả người ta thành lập hội đồng quản lý vùng, chủ tịch hội đồng theo thể thức luân phiên, mỗi người đứng đầu một chủ thể (TP, tỉnh) làm chủ tịch 6 tháng. Hội đồng này chỉ đóng vai trò là người chịu trách nhiệm trước tổng thống, còn điều hành chính là Hội đồng điều phối.
Vậy VKTTĐPN thuộc Đông Nam bộ nên như thế nào? Rõ ràng lập một hội đồng chính danh, có con dấu, ngân sách, ban bệ, có quyền lực là không thể. Muốn như thế phải sửa luật khi nhu cầu có thật. Đó là đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Đây là dự án quan trọng, là cú hích cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho Đông Nam bộ phát triển tăng tốc. Vì thế, việc hình thành một hội đồng lãnh đạo bao gồm các quan chức đầu tỉnh thành là cần thiết khi quyết những vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, cần lưu ý các quan chức này luôn “trăm công nghìn việc”, không có thời gian đọc các bản vẽ, khảo sát thực địa... Vậy cái chính nhất và quan trọng nhất ở đây là một hội đồng hay ủy ban ở cấp thấp hơn, nhưng lại đóng vai trò quyết định là hội đồng điều phối. Hội đồng này bao gồm các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực trọng yếu như kế hoạch, quy hoạch, kinh tế- xã hội của các tỉnh, thành trong VKTTĐPN.
Họ là đầu mối điều phối quan trọng của 6 lĩnh vực: thông tin, nhân lực, tài chính, vật tư, vật liệu, thiết bị kỹ thuật, công nghệ. Họ thường xuyên họp, thảo luận, tranh luận, khảo sát thực địa, có mặt ngay khi có sự cố bất thường để từ đó tham mưu cho Hội đồng lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trong một ý kiến gần đây, ông Phan Văn Mãi có một gợi ý có giá trị, là cần sử dụng các cán bộ về hưu có chuyên môn giỏi tham gia trong trong hội đồng vùng. Trong hội đồng điều phối hay hội đồng tham mưu chỉ cần một vài người của chính quyền phải có như Sở KH-ĐT, Sở QH-KT, còn lại là các nhà khoa học hàng đầu có kinh nghiệm, có khả năng phản biện cao.
Chính những chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu đã hưu trí không bị ràng buộc bởi quyền lợi, tổ chức thứ bậc, nên họ dám phản biện những kế hoạch, những quyết định chưa hợp lý của các quan chức. Song điều quan trọng là làm sao có được những chuyên gia thực tài, nếu không sẽ có những người luôn lấp lánh nhưng lại không phải là vàng, mà chỉ là chuyên gia hóng hớt và nói những điều không thực tế làm mất thời gian và cơ hội.