Giảm vào kênh tiết kiệm
Vietcombank mới đây đã điều chỉnh tăng 0,2% đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, lên mức ngang bằng 3 NHTM có vốn nhà nước khác trong nhóm Big 4, sau khi duy trì mặt bằng thấp hơn từ đầu năm đến nay.
Đối với nhóm NHTMCP VPBank cũng tăng lãi suất huy động thêm 0,2%, theo đó kỳ hạn 6 tháng lên 4,5-5%/năm, 12 tháng lên 6-6,5%/năm. Trước đó trong tháng 5, Sacombank, Techcombank, TPBank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động và NCB, BacABank tiếp bước nhập cuộc.
Trên thị trường liên NH, lãi suất cũng có xu hướng nhích lên. Tuần từ 17 đến 24-6, lãi suất liên NH đồng loạt tăng ở cả 3 loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, sau 3 tuần điều chỉnh giảm trước đó.
Mức tăng lần lượt 0,26%, 0,24% và 0,29%, lên 1,21%, 1,41% và 1,74%/năm. Diễn biến lãi suất này được xem xuất phát từ việc các NHTM hạn chế nguồn cung VNĐ, bởi tăng trưởng tín dụng hồi phục trong 6 tháng qua nhưng huy động chậm hơn các năm trước.
Thống kê của NHNN cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, lượng tiền gửi vào hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ tăng thêm khoảng 120.000 tỷ đồng, tăng 2,34% so với cuối năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 6 năm và chỉ bằng một nửa so với trước khi có dịch Covid-19.
Mới nhất, Tổng cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 21-6, huy động vốn của các TCTD tăng 3,13%. Trong khi cùng thời điểm, năm 2020 huy động vốn của các TCTD tăng 4,35%, năm 2019 tăng 6,09% và năm 2018 tăng 7,76%.
Tổng phương tiện thanh toán tính đến 21-6 tăng 3,48% so với cuối năm 2020, cùng với tốc độ tăng tiền gửi thấp hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng và thấp hơn tốc độ tăng tiền gửi bình quân của cùng kỳ các năm trước, cho thấy tiền từ hệ thống TCTD chảy ra lưu thông tăng cao hơn tiền chảy vào hệ thống NH.
Nhưng chảy mạnh vào chứng khoán
Nhưng chảy mạnh vào chứng khoán
NHNN không thể kiểm soát được dòng tiền từ dân cư và doanh nghiệp đi vào đâu, nhưng hoàn toàn kiểm soát được dòng tín dụng của các NHTM. Vì vậy, cần nắm bắt tình hình thực tế tín dụng vào TTCK, BĐS để có biện pháp hạn chế hoặc can thiệp kịp thời. TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU |
Trên báo cáo của Tổng cục Thống kê có một số liệu có thể xem là gợi ý về đường đi dòng tiền này. Báo cáo cho biết, tính đến hết tháng 5, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán (TTCK) ước đạt 116.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức huy động này tăng gấp 2 lần chỉ trong 2 tháng. Ghi nhận vào cuối tháng 3, tổng mức huy động vốn trên TTCK chỉ đạt khoảng 55.562 tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, mặt bằng lãi suất thấp, thay vì gửi tiền tiết kiệm vào NH, nhà đầu tư đang đổ tiền vào chứng khoán. Điều này thể hiện qua việc phần lớn nhà đầu tư mới tham gia TTCK gần đây không phải là nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp.
Nêu ra số liệu lượng tài khoản mở mới trong tháng 5 tăng mạnh khi đạt 114.000 tài khoản (cao nhất từ trước đến nay) giúp số lượng tài khoản mở mới trong 5 tháng đầu năm 2021 vượt qua con số cả năm 2020, CTCP chứng khoán Rồng Việt nhận định, điều này hoàn toàn hợp lý khi lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp trong khi mức sinh lời hấp dẫn của TTCK không thể phủ nhận trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), cho rằng trong bối cảnh lãi suất ổn định ở mức khá thấp, có thể dòng tiền từ dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác nay tạm thời đưa vào chứng khoán, đã tạo hiệu ứng tăng cho thị trường này.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng chỉ ra một phần dòng tiền đang dịch chuyển vào lĩnh vực bất động sản, vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển, trong bối cảnh chứng khoán, vàng, ngoại tệ không ổn định và đang giao dịch mức cao, lãi suất tiền gửi thấp không còn đủ hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân.
Tín dụng ủng hộ chứng khoán?
Tín dụng ủng hộ chứng khoán?
Lãi suất thấp đã khiến kênh tiền gửi tiết kiệm trở nên yếu thế. Dòng tiền nhàn rỗi chảy từ nơi có lãi suất thấp (hệ thống NH) sang nơi có lãi suất cao (TTCK). Nhưng đáng nói, không chỉ tiền nhàn rỗi dịch chuyển khỏi NH, ngay cả dòng tín dụng của các NH cũng đi vào các lĩnh vực này.
Theo ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư Vietinbank Capital, ngoài các nguồn tiền đến từ nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ ETF, các F0, dòng tiền chính thúc đẩy TTCK tăng trưởng bùng nổ có một phần không nhỏ đến từ tiền vay, cụ thể là hoạt động margin.
Tại thời điểm cuối quý I dư nợ margin của các công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư khoảng 101.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 25% so với quý liền kề.
Phần lớn dòng tiền các công ty chứng khoán cho vay margin từ nguồn vay các NH. Phần nữa, các công ty chứng khoán có nguồn vốn cho vay margin từ huy động được qua phát hành trái phiếu.
Trên số liệu của NHNN, ước tính vào cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%, xuất khẩu tăng 9%, công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng chảy vào chứng khoán dự kiến đến cuối tháng 6 tăng khoảng 3%, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ (0,48%) trong tổng dư nợ nền kinh tế, ước đạt 46.700 tỷ đồng, tăng khoảng 400-500 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản tăng chậm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này khiến các hoạt động đầu tư giảm mạnh. Mức tăng tín dụng bất động sản thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng, bình quân 5,1%.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thực tế rất nhiều người vay tiền với mục đích tiêu dùng nhưng lại dùng tiền đó để đầu tư chứng khoán. Vì vậy, số liệu báo cáo không đủ độ tin cậy. Nguồn vốn tín dụng hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng ít nhất 60% của các nguồn vốn trên TTCK và bất động sản, là một phần nguyên nhân khiến các thị trường này tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Theo quy luật kinh tế, sự dịch chuyển của dòng tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế khi lãi suất thấp là vấn đề hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu sức nóng của các thị trường như chứng khoán được tiếp sức bởi dòng tín dụng, cần phải hết sức thận trọng.