Dòng tiền đổ vào bất động sản cuối năm: Không có ‘cú huých’ từ đầu tư công

(ĐTTCO) – Xu thế dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản vào những tháng cuối năm nay có sự thay đổi đáng kể, trong đó đầu tư công khó tạo ra “cú huých” như kỳ vọng khi nguồn vốn giải ngân và các dự án triển khai chậm chạp.
Theo các chuyên gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản có phần giảm sút đáng kể. Nguyên nhân do chính sách đối với bất động sản được điều chỉnh theo hướng tăng cường kiểm soát vĩ mô. 
Trong quý IV-2021 và quý I-2022, các doanh nghiệp bất động sản đã bán một số lượng lớn trái phiếu bất động sản. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiểm soát trái phiếu bất động sản để đảm bảo thị trường trái phiếu bất động sản phát triển bền vững, do đó dòng vốn từ kênh trái phiếu đã bị hạn chế mạnh kể từ đầu quý II-2022. 
Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư công đã không được như kỳ vọng. Đầu năm 2022, nguồn vốn đầu tư công được kỳ vọng tăng cao nhờ có nguồn đầu tư công theo kế hoạch và nguồn đầu tư công từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến tháng 6-2022, tình hình không như mong muốn do tiến độ giải ngân chậm. Điều này cũng có nghĩa “cú huých” cho thị trường bất động sản từ đầu tư công đã không xảy ra.
Dòng tiền đổ vào bất động sản cuối năm: Không có ‘cú huých’ từ đầu tư công ảnh 1 Đầu tư công được cho là sẽ tạo "cú huých" cho thị trường bất động sản trong năm nay, sau một thời gian ảm đạm, tuy nhiên điều này đã không xảy ra.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài không có đột biến. Tính đến cuối tháng 6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. 
Thêm vào đó,  dòng vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng đang bị tranh chấp với nhu cầu đầu tư mở cửa lại sản xuất hoặc mở rộng sản xuất sau đại dịch Covid-19. Sau dịch Covid-19, nhu cầu phục hồi kinh tế tăng cao, đồng nghĩa với nhu cầu đầu tư tăng cao. Nguồn vốn đầu tư bất động sản không còn được lợi thế như trong đại dịch mà phải tranh chấp với các nhu cầu đầu tư khác. Vì vậy, nguồn tiền từ các nhà đầu tư tiềm năng có khả năng giảm. 
Đánh giá về xu hướng dòng tiền chảy vào bất động sản những tháng cuối năm nay, theo PGS. TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng sẽ có những thay đổi so với xu thế đầu năm.
Trong đó, luồng tiền đầu tư bất động sản du lịch phục hồi.  Thị trường chứng khoán bất định kéo theo luồng tiền từ thị trường chứng khoán vào thị trường bất động sản cũng được dự báo là không rõ rệt xu thế. Luồng tiền trái phiếu không khả quan do tiếp tục nằm trong diện được rà soát, kiểm soát. 
Tín dụng ngân hàng tiếp tục được kiểm soát của hệ thống ngân hàng thương mại. (5) Đầu tư nước ngoài có triển vọng nhưng không đột biến lớn. Nguồn vốn từ đầu tư công không tăng như kỳ vọng và nguồn vốn đầu tư tiềm năng bị tranh chấp với các ngành sản xuất. 
Bên cạnh đó, nguồn tiền từ các các doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn tiếp tục phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, trong khi đó kiều hối tiếp tục ổn định nhưng sẽ không có đột biến.
Hiện nay, chính sách đất đai, thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu tích cực sau Nghị quyết 18 của BCHTƯ lần thứ 5 Khóa XIII về đất đai. Tuy nhiên, các phản ứng của thị trường chưa thể hiện ngay, nhưng sẽ có những diễn biến trong thời gian tới nên cần theo dõi. 
Kinh tế vĩ mô hiện tại được đánh giá tiếp tục phát triển tích cực. Tuy nhiên, vấn đề lạm phát đang là áp lực lớn, có được kiểm soát tốt không cũng sẽ ảnh hưởng đến bất động sản. 
Trong khi đó, cuộc chiến Nga - Ukraine hiện vẫn dai dẳng. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ bất động sản. Chu chuyển vốn tiếp tục diễn ra đồng thời với các nước cơ cấu lại nguồn vốn, điều này cũng tác động có tính hai chiều lên dòng vốn ngoại khi đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay.


Các tin khác