Dòng tiền không còn dễ dãi trong 2022?

(ĐTTCO) - Sự bùng nổ số lượng NĐT cá nhân trong nước năm 2021 đã gây ấn tượng mạnh, tạo đột biến kỷ lục về thanh khoản trên TTCK. Có nhiều yếu tố thuận lợi trong 2 năm qua khuyến khích dòng tiền đổ vào CK, nhưng điều đó khó kéo dài.
“Vết thương” từ cú sốc đầu cơ
Quan điểm tìm kiếm lợi nhuận nhanh của các NĐT nói chung và những người mới gia nhập thị trường nói riêng, là một phần hấp dẫn của TTCK. Dòng tiền ngắn hạn giao dịch liên tục này chính là yếu tố tạo thanh khoản hàng ngày sôi động.
Nếu thị trường chỉ có khối NĐT dài hạn, giao dịch sẽ rất buồn chán và kém thanh khoản, vì xu hướng đầu tư dài hạn là mua và nắm giữ. Điều này đã được chứng minh bằng làn sóng đầu cơ khổng lồ năm 2021 vừa qua, vượt xa cấp độ của những NĐT mới thời điểm 2006-2007 về quy mô.
Hàng chục CP đầu cơ thiếu yếu tố cơ bản tốt vẫn tăng giá gấp thếp, kích thích lòng tham và “phát quà” đãi “tay mới”.
Nếu năm 2020 thị trường đột nhiên bùng nổ số lượng NĐT mới chỉ thuần túy do ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội chống dịch Covid, thì năm 2021 thật sự bùng nổ do lòng tham trước lợi nhuận quá dễ dàng.
Nếu năm 2019 tỷ trọng giao dịch của NĐT cá nhân trong nước chỉ chiếm 70% thị trường, năm 2020 tăng lên 77% và năm 2021 tới trên 85%, theo số liệu của Fiinpro. Nhóm CP vốn hóa nhỏ, thị giá thấp đại diện là chỉ số VNSmallcap có mức tăng trưởng 96% trong năm 2021 so với 36% của VN Index, cũng thể hiện rõ “gu” đầu tư của các NĐT mới.
Dòng tiền không còn dễ dãi trong 2022? ảnh 1
Vòng xoáy đầu cơ tăng trưởng tạo nên mối quan hệ “con gà - quả trứng”: TTCK tăng giá mạnh mẽ hấp dẫn NĐT mới và lượng tiền mới vào nhiều càng khiến giá CP tăng trưởng mạnh hơn.
Điều này rất khó lặp lại trong năm 2022, khi làn sóng đầu cơ xẹp xuống vừa qua đã tạo cú sốc “đầu đời” cho rất nhiều NĐT mới sau quãng thời gian êm đẹp kéo dài nhiều tháng. Sự hào hứng và cảm giác chiến thắng nhường chỗ cho thua lỗ và ức chế.
Những đồng tiền “sứt sẹo” sẽ không bao giờ tìm lại được cảm giác liều lĩnh như trước đây. Quy luật tâm lý này đã từng xảy ra giai đoạn 2008-2013 và sẽ còn lặp đi lặp lại ở các chu kỳ tăng trưởng - bùng phát - sụp đổ kế tiếp, gắn liền với quá trình nâng cấp NĐT F0 lên thành Fn.
Trong giai đoạn 2020-2021, kênh đầu tư CK gần như độc tôn vì tỷ suất lợi nhuận rất cao. VN Index thậm chí lọt top 10 các thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới với 35,7%, vàng chỉ tăng giá đâu đó 10%, trong khi lãi suất tiết kiệm chỉ 6%.
Có đủ các yếu tố ủng hộ kênh đầu tư này, tiêu biểu là mặt bằng lãi suất tiết kiệm quá thấp và hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, thậm chí là cờ bạc, cá độ cũng đình trệ vì dịch bệnh.
Bối cảnh đó đang thay đổi, phát tín hiệu rằng thời kỳ “mật ngọt” nói trên đã qua đỉnh. Đối với giới đầu tư CK, khi điều tốt nhất đã xuất hiện cần chuẩn bị cho giai đoạn không thể tốt hơn nữa.
 
Dòng tiền vào chứng khoán sẽ bị cạnh tranh
Nét đặc trưng của dòng tiền trên TTCK 2 năm qua là tính cơ hội: Tiền không thể nằm chết một chỗ vì không sản xuất kinh doanh, tiền không thể mắc kẹt với mức lãi suất tiết kiệm 3-5% cho kỳ hạn dưới 1 năm.
Điều này khiến việc lướt sóng CK không chỉ là giao dịch của các NĐT cá nhân, mà còn của nhiều doanh nghiệp tranh thủ kiếm lợi nhuận bù đắp cho hoạt động kinh doanh chính.
Hàng loạt ngân hàng cũng nhanh trí lôi kéo người gửi tiền vào các quỹ đầu tư, từ CP đến trái phiếu, chỉ bằng “rắc thính” về mức lãi suất hấp dẫn hơn. Tất cả yếu tố đó đều có chung nguồn gốc, là dư thừa thanh khoản trong hệ thống. Điều này được dự báo là thay đổi lớn nhất trong năm 2022.
Nhìn lại diễn biến lãi suất qua đêm liên ngân hàng năm 2020, giai đoạn từ tháng 5 trở đi, đã xuống thấp kỷ lục dưới 0,5%, thậm chí kéo dài dưới 0,3% đến tận tháng 12. Năm 2021 mặt bằng lãi suất qua đêm đã được nâng lên trung bình khoảng 0,7% trong 6 tháng cuối năm, nhưng vẫn thấp xa so với năm 2019.
Những ngày đầu tháng 2 của năm 2022, diễn biến lãi suất đã có tín hiệu khác biệt khi duy trì khoảng 2,4%, thậm chí như ngày 8-2 lên 2,59%, ngày 10-2 tới 2,87%. Nếu so sánh đây cũng là mặt bằng lãi suất giai đoạn 3 tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh vẫn còn ở xa biên giới Việt Nam, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hề bị tổn thương.
Việc lãi suất qua đêm có tín hiệu tăng trở lại có thể do tính mùa vụ dịp Tết Nguyên đán. Nhưng nếu vài tháng tới lãi suất này vẫn duy trì mức cao trên 2% hoặc hơn, đó sẽ là tín hiệu về nhu cầu thanh khoản cải thiện. Các ngân hàng vay mượn nhau nhiều hơn và đòi hỏi mức lãi suất cao hơn so với giai đoạn thừa mứa thanh khoản vừa qua.
Thực trạng đó hoàn toàn có thể xảy ra, vì khi nền kinh tế hoạt động đủ công suất bình thường, nhu cầu vốn sẽ gia tăng mạnh. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế sẽ giảm xuống (do chi tiêu hoạt động kinh doanh). Điều này cũng đồng nghĩa các ngân hàng khó có thể duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp như hiện tại. 
Dòng tiền đổ vào TTCK sẽ bị cạnh tranh cao hơn khi không còn lợi thế dư thừa tiền rẻ như trước. Từ các hộ kinh doanh đến doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc dòng tiền cho hoạt động chính.
Đó là chưa kể áp lực lạm phát chi phí đẩy có thể ủng hộ xu hướng tăng dần lãi suất huy động lên để ngân hàng đảm bảo thanh khoản, dù các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế có thể không khiến lãi suất cho vay tăng. Do đó, sẽ không có gì bất ngờ nếu mức thanh khoản của TTCK 2022 thậm chí có thể giảm so với 2021.
Với dự báo tăng trưởng lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp niêm yết khoảng 20-25% trong năm 2022, P/E dự phóng mới chỉ 13-14 lần, TTCK vẫn đang có cơ hội tăng trưởng tích cực phía trước.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa cơ hội sẽ dễ dàng như 2 năm vừa qua. Bởi lẽ, bối cảnh đã thay đổi, không chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới, khi chu kỳ nới lỏng và tiền rẻ đang đi đến hồi kết thúc. 
 TTCK tăng giá mạnh mẽ hấp dẫn NĐT mới và lượng tiền mới vào nhiều càng khiến giá CP tăng trưởng mạnh hơn. Điều này rất khó lặp lại trong năm 2022, khi làn sóng đầu cơ đang xẹp xuống. 

Các tin khác