90% tỷ trọng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân. Ảnh: Huy Phan
Trong 3 quý đầu năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng mạnh với sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư mới (còn gọi là nhà đầu tư F0). Trong tháng 10 này, nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là TPHCM, có kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, và TTCK sẽ tác động thế nào đến dòng tiền trong thời gian tới?
Nhà đầu tư cá nhân chiếm 90% tỷ trọng giao dịch
Sau khi lập đỉnh 1.420 điểm vào đầu tháng 7-2021, VN-Index đã giảm xuống đáy gần nhất là 1.243,51 điểm vào ngày 19-7. Hiện VN-Index đang ở mức 1.350 điểm, tăng khoảng 8% trong hơn 2 tháng qua. Trong tháng 7 và 8-2021, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư F0 luôn đạt trên 100.000 tài khoản/tháng, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong 8 tháng đầu năm 2021 bằng 130% của cả năm 2020. Điều này cho thấy TTCK trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian giãn cách.
Cùng với số lượng tài khoản tăng mạnh, thống kê từ các công ty chứng choán cho thấy, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt mức cao nhất trong những năm gần đây, chiếm đến 90% tỷ trọng giao dịch trên thị trường. Thanh khoản duy trì ở mức cao, tổng giá trị giao dịch trung bình những tháng vừa qua tính đến ngày 31-8 đã đạt gần 22.500 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường; bất chấp 9 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng 51.400 tỷ đồng, VN-Index vẫn tăng hơn 22% so với cuối năm 2020.
Theo FiinPro (công ty cung cấp dịch vụ tích hợp và dữ liệu tài chính), mặt bằng lãi suất thấp nhất trong 5 năm qua tại Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho dòng tiền vào kênh chứng khoán. Thể hiện qua số tài khoản chứng khoán mở mới, thanh khoản thị trường gia tăng, đặc biệt là số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán. Tính đến cuối tháng 8-2021, số dư này ước đạt 90.000 tỷ đồng đang chờ cơ hội để gia nhập thị trường.
Đại diện Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital nhận định, TTCK trong tháng 8 và 3 tuần tháng 9-2021 tiếp tục hồi phục (kể từ đáy tháng 7-2021), cho thấy thị trường khá vững vàng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và chịu nhiều ảnh hưởng của việc tăng cường giãn cách với hoạt động kinh tế - xã hội. Các nhà đầu tư đang hướng kỳ vọng vào một quý 4 tích cực hơn so với quý 3, khi tình trạng giãn cách được nới lỏng dần.
Kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng
TTCK đang diễn biến tích cực, nhưng dòng tiền trên TTCK trong những tháng gần đây tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (midcap và penny). Nhiều cổ phiếu nhỏ đã tăng mạnh, thậm chí vượt đỉnh dù kết quả kinh doanh không khả quan. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, được mệnh danh nhóm “cổ phiếu vua”, trên thị trường đã giảm 20%-30% do ảnh hưởng thông tin tiêu cực từ nợ xấu.
Với diễn biến trên, một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc tái mở cửa nền kinh tế sẽ dẫn đến khả năng dòng tiền đầu cơ, tiền của nhà đầu tư F0 trú tạm trong thời gian giãn cách xã hội sẽ rút khỏi TTCK để quay lại các hoạt động bình thường như sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng sẽ có dòng tiền của những nhà đầu tư rút bớt khỏi TTCK vì ngại rủi ro dịch Covid-19 quay trở lại.
Giới chuyên môn nhận định, động lực tăng của TTCK thời gian tới phụ thuộc khá nhiều vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước vừa cho phép các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại nợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nên kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ đón nhận dòng tiền lớn quay trở lại vào đầu quý 4-2021, khi giãn cách được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động trong điều kiện “bình thường mới”.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á, dòng cổ phiếu ngân hàng muốn tăng đòi hỏi lượng tiền khá lớn để kích hoạt. Khi nền kinh tế mở cửa rõ ràng hơn, “cổ phiếu vua” sẽ hút dòng tiền trở lại.
Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích doanh nghiệp (Công ty Chứng khoán PSI) cũng cho rằng, dòng tiền sẽ phân hóa vào những cổ phiếu hưởng lợi từ nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, các nhóm cổ phiếu từ đầu tư công như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng sẽ hút dòng tiền do đây là các hoạt động có tác động nhanh trong quá trình phục hồi kinh tế trở lại. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành năng lượng, bán lẻ, logistics… cũng được hưởng lợi khi nhu cầu nội địa tăng mạnh trở lại sau thời gian giãn cách.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư đã phần nào chứng minh sức hấp dẫn của thị trường trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, TTCK sẽ có nhiều biến động. Do đó, để đầu tư an toàn và có hiệu quả, nhà đầu tư cần trang bị thêm kiến thức về chứng khoán, tài chính doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Hiện cơ quan này đang thực hiện giám sát chặt chẽ, thanh - kiểm tra để làm rõ các dấu hiệu bất thường tại một số nhóm cổ phiếu có dấu hiệu bị thao túng, làm giá trên thị trường, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm. |