Việc đồng yen yếu từng mang lại lợi thế cho các công ty Nhật Bản khi có thể bán ôtô và máy ảnh tại thị trường nước ngoài với giá cạnh tranh và thu được lợi nhuận lớn hơn khi chuyển về nước.
Trong thời điểm này, tình hình đã khác khi Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ với việc mua vào đồng yen lần đầu tiên trong gần 25 năm.
Mục đích của việc can thiệp là nâng giá đồng yen vốn đã giảm giá mạnh khi đồng USD mạnh lên và khiến mọi loại hàng hóa từ thực phẩm đến nhiên liệu tăng giá.
Với các nhà chế tạo Nhật Bản, đồng yen yếu không còn mang lại lợi ích như những thập kỷ trước, khi các doanh nghiệp từng bước mở rộng sản xuất và chuỗi cung ứng ở nước ngoài.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, gần 1/4 hoạt động sản xuất của các nhà chế tạo của Nhật Bản là ở nước ngoài.
Con số tương ứng của thập kỷ trước là khoảng 17% và hai thập kỷ trước là chưa đến 15%.
Theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản, khoảng 2/3 số xe mà các nhà sản xuất bán ra hàng năm hiện được lắp ráp tại nước ngoài.
Trong hai thập kỷ trước, số ôtô được sản xuất ở nước ngoài chiếm chưa đến 40% doanh số bán.
Trong khi đó, đồng yen yếu khiến chi phí nhiên liệu và các hàng hóa khác tăng đối với các nhà sản xuất trong nước và cũng ảnh hưởng đến chi tiêu và lòng tin của người tiêu dùng tại thị trường trong nước.
Với các nhà bán lẻ, đồng yen yếu đặc biệt gây khó khăn, khi làm tăng chi phí, trong đó có chi phí cho năng lượng và thực phẩm.
Đồng yen mất giá nhanh trong thời gian gần đây, với mức giảm khoảng 20% so với đồng USD kể từ đầu năm, khiến các công ty khó khăn hơn trong việc lập kế hoạch trong tương lai.