Các chỉ số chính đã rớt xuống mức đáy trong phiên sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết cơ quan này sẽ thảo luận về việc tăng tốc độ thu hẹp chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp vào tháng 12.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones rớt 652.22 điểm (tương đương 1.86%) xuống 34,483.72 điểm, chịu sức ép bởi đà lao dốc của cổ phiếu American Express và Salesforce. Chỉ số S&P 500 mất 1.9% còn 4,567.00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.6% xuống 15,537.69 điểm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm 1.9% xuống 2,198.91 khi những cổ phiếu nhạy cảm với nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong lần xuất hiện trước một ủy ban Thượng viện, Chủ tịch Fed cho biết ông nghĩ rằng việc giảm tốc độ mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình 15 tỷ USD/tháng được công bố vào đầu tháng này.
“Tại thời điểm này, nền kinh tế đang rất mạnh và áp lực lạm phát đang tăng, và do đó, theo quan điểm của tôi việc xem xét giảm bớt việc mua tài sản của chúng tôi… có lẽ sớm hơn một vài tháng là phù hợp”, ông Powell cho biết. “Tôi mong rằng chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề đó tại cuộc họp sắp tới”.
Những nhận định của ông Powell cho thấy rằng trọng tâm của Fed hiện đã thay đổi thành chống lạm phát và các tác động tiêu cực của nó thay vì bất kỳ sự gián đoạn tiềm năng nào trong hoạt động kinh tế từ các biến thể mới Covid-19.
Sự đảo chiều vào ngày thứ Ba (30/11) cũng diễn ra sau khi CEO Moderna, Stephane Bancel, nói với Financial Times rằng ông dự báo các loại vắc-xin hiện có sẽ kém hiệu quả hơn đối với biến thể mới. Vị CEO nói rằng có thể có “sự sụt giảm nghiêm trọng” hiệu quả của vắc-xin hiện tại đối với biến thể này. Ông Bancel cũng nói với CNBC vào ngày 29/11 rằng có thể mất nhiều tháng để phát triển và sản xuất một loại vắc-xin đặc hiệu với biến thể Omicron. Cổ phiếu Moderna sụt 4.4%.
Ngoài ra, Regeneron cho biết việc điều trị bằng kháng thể của virus có thể làm giảm hiệu quả chống lại Omicron.
Nhóm cổ phiếu du lịch, dẫn đầu đà sụt giảm vào ngày 26/11 và sau đó khởi sắc vào ngày 29/11, lại tiếp tục bị ảnh hưởng lần nữa vào ngày thứ Ba. Cổ phiếu Expedia Group giảm gần 3.3%, cổ phiếu Norwegian Cruise Line Holdings mất 3.5%, và cổ phiếu Booking Holdings sụt 3.7%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục rớt mốc 1.45% khi nhà đầu tư lo ngại về đà giảm tốc kinh tế vì biến thể mới. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã mất 9 điểm cơ bản còn 1.44%. Lợi suất kỳ hạn này đã tăng lên 1.69% hồi tuần trước trước khi rớt mốc 1.5% vào ngày 26/11.
Giá dầu cũng giảm vào ngày thứ Ba với hợp đồng dầu WTI sụt 5.4% xuống 66.18 USD/thùng.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau một vài phiên biến động gần đây khi nhà đầu tư đánh giá tác động của Omicron. Biến thể Covid-19 mới, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, hiện đã được tìm thấy ở hơn một chục quốc gia, khiến nhiều quốc gia áp lệnh hạn chế đi lại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi chủng Omicron là “một biến thể đáng lo ngại” vào ngày 26/11, khiến chỉ số Dow Jones giảm 900 điểm, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020.
WHO cho biết có thể sẽ mất nhiều tuần để hiểu biến thể này có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc chẩn đoán, điều trị và vắc-xin.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, lại tăng vào ngày thứ Ba sau khi giảm trong phiên trước đó. Chỉ số này có thời điểm đã tăng 10 điểm lên trên 28 điểm vào ngày 26/11.
Ngày thứ Ba là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, một tháng đầy biến động đối với chứng khoán. Dow Jones giảm 3.7% trong tháng 11. S&P 500 mất 0.8% trong tháng này và Nasdaq Composite cộng 0.25%.