Dow Jones ghi nhận chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 1987; Dầu giảm 1%

(ĐTTCO) - Chỉ số Dow tiếp tục tăng điểm vào thứ Tư (26/7), ghi nhận chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 1987 khi nhà đầu tư cân nhắc động thái nâng lãi suất của Fed và kết quả lợi nhuận từ các công ty lớn. 
Dow Jones ghi nhận chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 1987; Dầu giảm 1%

Dow tăng 13 phiên liền

Kết phiên, chỉ số Dow Jones tiến 82.05 điểm, tương đương 0.23%, lên 35,520.12 điểm. Chỉ số này đã nới rộng đà tăng sang phiên thứ 13 liên tiếp, ghi nhận chuỗi leo dốc dài chưa từng thấy kể từ tháng 1/1987. Nếu Dow Jones tăng phiên thứ 14 liên tiếp vào ngày thứ Năm (27/7), đó sẽ là chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 6/1897, thời điểm khoảng 1 năm sau khi Dow Jones được tạo ra vào tháng 5/1896.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 sụt 0.02% xuống 4,566.75 điểm. Và chỉ số Nasdaq Composite rớt 0.12% còn 14,127.28 điểm.

Fed đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm sau. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell gợi ý ngân hàng trung ương có thể tạm dừng một lần nữa tại đây.

Ông Powell nói trong cuộc họp báo sau quyết định lãi suất: “Tôi muốn nói rằng chắc chắn có khả năng chúng tôi sẽ nâng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng 9 nếu dữ liệu được đảm bảo. Và tôi cũng muốn nói rằng có thể chúng tôi sẽ chọn giữ nguyên lãi suất và sẽ đưa ra những đánh giá cẩn thận, như tôi đã nói, trong từng cuộc họp.”

Quyết định tiếp theo về lãi suất của Fed sẽ vào ngày 20/9/2023.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm Wells Fargo tăng sau những nhận định của ông Powell khi nhà đầu tư dự báo rằng nền kinh tế có thể vượt qua suy thoái nếu Fed tiếp tục giữ lãi suất không đổi.

Tuy nhiên, việc ông Powell nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương sẽ “phụ thuộc vào dữ liệu” đã khiến nhà đầu tư băn khoăn về động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương và ảnh hưởng phần nào đến tâm lý thị trường.

Về mặt tích cực, cổ phiếu Alphabet tăng vọt 5.8% nhờ tăng trưởng doanh thu trên nền tảng đám mây đã giúp thúc đẩy lợi nhuận quý 2 của công ty tốt hơn dự báo. Ngoài ra, cổ phiếu Boeing leo dốc 8.7% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 vượt trội nhờ sự gia tăng số lượng máy bay thương mại được giao hàng.

Tuy nhiên, không phải tất cả thông tin về kết quả kinh doanh đều tích cực khi cổ phiếu Microsoft bốc hơi 3.7%, một ngày sau khi công bố tăng trưởng doanh thu trên nền tảng đám mây đang chậm lại.

Dầu giảm sau khi dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm ít hơn dự báo

Khép phiên, dầu Brent hạ 72 xu, tương đương 0.9%, xuống 82.92 USD/thùng. Dầu WTI sụt 85 xu, tương đương 1.1%, còn 78.78 USD/thùng.

Cả 2 loại dầu đều giảm hơn 1 USD/thùng vào đầu phiên, sau khi chạm mức đỉnh 3 tháng vào ngày thứ Ba (25/7).

Việc tăng lãi suất, lần thứ 11 trong 12 cuộc họp đã qua của Fed, đưa lãi suất chuẩn qua đêm nằm trong khoảng 5.25% - 5.50%, và tuyên bố chính sách kèm theo đã mở ra cơ hội cho một đợt nâng lãi suất khác.

Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 600,000 thùng trong tuần trước, thấp hơn so với dự báo sụt 2.35 triệu thùng trước đó và trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1.32 triệu thùng từ Viện Xăng dầu Mỹ (API).

Dữ liệu của EIA cũng cho thấy dự trữ xăng và dầu diesel cũng giảm thấp hơn dự báo.

Giá dầu đã tăng trong 4 tuần, được hỗ trợ bởi những dấu hiệu nguồn cung thắt chặt, chủ yếu liên quan đến động thái cắt giảm sản lượng của Ả-rập Xê-út và Nga, cũng như cam kết của chính quyền Trung Quốc sẽ vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Mặc dù thị trường dự báo Ả-rập Xê-út sẽ chuyển đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 8 sang tháng 9, nhiều nguồn tin nói với Reuters vào thứ Tư rằng Nga dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng tải dầu trong tháng 9, chấm dứt việc cắt giảm mạnh xuất khẩu dầu.

Trong khi đó, thị trường rất lo ngại về việc liệu Trung Quốc, cũng là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, có thực hiện các cam kết chính sách hay không.

Các tin khác