Dow Jones vượt mốc 40.000 điểm; Dầu trượt giá 4 phiên liền

(ĐTTCO) - Chỉ số Dow Jones tăng điểm vào thứ Sáu (12/07) nhờ đà leo dốc của cổ phiếu Home Depot và Caterpillar. Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp khi đà leo dốc gần đây mất đà.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Dow Jones vượt mốc 40.000 điểm; Dầu trượt giá 4 phiên liền

Fed dự kiến hạ lãi suất vào tháng 9

Kết phiên, chỉ số Dow Jones tăng 247.15 điểm, tương đương 0.62%, lên 40,000.90 điểm. Trong phiên, chỉ số này đã tăng lên mức cao mọi thời đại mới là 40,257.24 điểm. Đây là lần đầu tiên Dow Jones vượt mốc 40,000 điểm kể từ cuối tháng 5/2024. Cổ phiếu Home Depot tiến 1.7%, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc của cổ phiếu này trong tuần lên 7.5%. Cổ phiếu Caterpillar thêm gần 1.4% trong phiên.

Chỉ số S&P 500 nhích 0.55% lên 5,615.35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.63% lên 18,398.45 điểm.

Trong phiên hôm thứ Năm, S&P 500 đã ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 4/2024, khi nhà đầu tư bán các cổ phiếu công nghệ lớn, khiến cổ phiếu Nvidia sụt 5.6%. Tuy nhiên, Dow Jones đã có thành tích vượt trội, nhích 0.08% trong đợt bán tháo so với các chỉ số chính khác.

Vào thứ Sáu, nhà đầu tư đã đổ xô vào các cổ phiếu công nghiệp thuộc Dow Jones nhờ hy vọng lạm phát hạ nhiệt sẽ kéo theo việc Fed hạ lãi suất vào tháng 9. Dow Jones tăng 1.6% trong tuần này. Chất xúc tác là một báo cáo vào thứ Năm cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0.1% trong tháng 6.

Chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 vọt 6% trong tuần này sau khi tăng 1.1% vào ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư nhận thấy cái gọi là sự hạ cánh nhẹ nhàng của nền kinh tế chung sẽ tạo động lực cho các công ty nhỏ hơn.

Thị trường leo dốc ngay cả sau những phản ứng ít ỏi đối với kết quả lợi nhuận quý 2 của các ngân hàng. Cổ phiếu JPMorgan mất 1.2% ngay cả khi ngân hàng này công bố doanh thu quý 2 tốt hơn dự báo của Phố Wall nhờ sự tăng vọt các loại phí. Cổ phiếu Citi bốc hơi 1.8% mặc dù kết quả doanh thu và lợi nhuận quý 2 cao hơn kỳ vọng.

Cổ phiếu Wells Fargo sụt 6% sau khi ngân hàng này cho biết thu nhập lãi ròng, thước đo chính về lợi nhuận cho vay của ngân hàng, không đạt kỳ vọng trong quý 2.

Số liệu về lạm phát bán buôn cao hơn dự báo một chút vào ngày thứ Sáu, nhưng Phố Wall đã hầu như bỏ qua số liệu này sau báo cáo giá tiêu dùng quan trọng hơn hôm 11/07 cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.

Cổ phiếu Nvidia tiến 1.4%, khi nhà đầu tư không thể cưỡng lại được một số cổ phiếu công nghệ yêu thích của họ bị bán tháo vào ngày hôm trước.

Đà tăng gần 18% từ đầu năm đến nay của S&P 500 phần lớn được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ. Lĩnh vực công nghệ đã bứt phá 33% vào năm 2024 và lĩnh vực dịch vụ truyền thông leo dốc 26%.

Dầu đứt mạch 4 tuần tăng liên tiếp

Giá dầu đã tăng vào đầu phiên sau 2 ngày tăng liên tiếp, khi lạm phát tiêu dùng tháng 6 tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm, củng cố hy vọng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay và kích thích nhu cầu.

Tuy nhiên, các hợp đồng dầu tương lai cuối cùng đã mất đà tăng vào cuối phiên sau khi thước đo giá bán buôn tăng 0.2% trong tháng 6, cao hơn một chút so với dự báo tăng 0.1% từ các chuyên gia kinh tế.

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI lùi 41 xu, tương đương 0.5%, xuống 82.21 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent mất 37 xu, tương đương 0.43%, còn 85.03 USD/thùng.

Dầu WTI đã giảm 1.14% trong tuần qua, còn dầu Brent sụt 1.74%.

Dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ đã giảm trong tuần kết thúc ngày 05/07, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu mùa hè có thể phục hồi. Tuy nhiên, OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lại phát đi những thông điệp trái ngược nhau về xu hướng nhu cầu trong năm nay.

OPEC đang lạc quan khi nhận thấy nhu cầu tăng 2.2 triệu thùng/ngày trong năm nay nhờ tăng trưởng kinh tế vững chắc. Mặt khác, IEA nhận thấy nhu cầu chỉ tăng dưới 1 triệu thùng/ngày khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu, đặc biệt ở Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích của JPMorgan cho biết các tín hiệu kinh tế trái chiều từ Trung Quốc đang đặt ra sự nghi ngờ về tăng trưởng nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. JPMorgan nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1.4 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trong khi cơ sở hạ tầng dầu ở Gulf Coast gần như đã tránh được thiệt hại do cơn bão Beryl gây ra, thì dự báo thời tiết tại Đại học Bang Colorado dự đoán sẽ có một mùa mưa bão “cực kỳ dữ dội” trong năm nay.

Các tin khác