Báo cáo với đoàn công tác, ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, cho biết đến nay có 9/10 gói thầu đã tổ chức thi công tại 17 vị trí trên toàn dự án, riêng phần bờ kè bê tông đã thi công 2.000/47.000m. Nhìn chung, tiến độ thi công trong tầm kiểm soát theo kế hoạch.
Tuy nhiên, theo ông Tân trong quá trình tổ chức thực hiện thi công còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, dự kiến với số lượng 6 triệu m3 bùn nạo vét, sau khi xử lý tại chỗ khoảng 3 triệu m3, phần còn lại vẫn chưa có bãi đổ hoặc hướng xử lý. Khu vực bãi rác Gò Cát (Bình Tân) cần mở rộng thêm vào 5m và xây lại bức tường khu vực này. Khối lượng rác xây dựng và rác công nghiệp 2 bên kênh quá nhiều nhưng chưa có hướng xử lý. Hiện còn hơn 168 hộ chưa đền bù…
Tại buổi làm việc, đại diện các quận huyện kiến nghị TP và các sở ngành đầu tư đồng bộ đường kết nối, công viên cảnh quan, để khi dự án hoàn thành các hạng mục này cũng đưa vào sử dụng để tăng hiệu quả của dự án; sớm phê duyệt đơn giá đền bù giai đoạn 2 để đền bù cho các hộ dân còn lại…
Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết, một số nội dung chủ đầu tư cũng như các quận huyện kiến nghị có thể giải quyết ngay, hoặc đang trong quá trình giải quyết, như đơn giá đền bù hiện nay Sở TN-MT đang trình TP phê duyệt. Việc thu hồi bãi rác Gò Cát làm công viên cũng đã có chủ trương và giao Sở TN-MT làm chủ đầu tư hiện đang triển khai… Trong thời gian tới cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các sở ngành, quận huyện để tháo gỡ các vướng mắc.
Phát biểu tại buổi khảo sát thực tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao nỗ lực của các sở ngành, quận huyện cũng như chủ đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ đề ra, đặc biệt là công tác giải ngân cho dự án, các kiến nghị, vướng mắc phải sớm được xử lý và cần đề ra thời gian cụ thể. Ông Nên nhấn mạnh phải tạo sự đồng thuận nơi người dân, đảm bảo công tác tái định cư tốt cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Bí thư Thành ủy cũng khẳng định, dự án đi qua 7 quận huyện với dân số 4,5 triệu người, nên có tác dụng rất lớn đến cộng đồng dân cư. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo nên trục giao thông mới cho TP, hình thành các công viên, cảnh quan dọc tuyến, làm TP ngày càng khang trang hơn, giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông… Do đó phải đảm bảo về chất lượng và đúng tiến độ.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương- rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP 4.200 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân 12,5% phấn đấu đến quý III giải ngân đạt 35%. Dự án có chiều dài 31,46km, với 2 tuyến giao thông 2 bên bờ 64km, bề rộng của đường 7-12m… Dự án có mục tiêu tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng cho diện tích 14.900ha của khu vực.