Điều vui mừng là ngay trong quý I năm nay, phía Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông báo sẽ tài trợ vốn để dự án tiếp tục được thi công.
Ám ảnh “dòng kênh thối”
Tại TPHCM, mỗi khi nhắc đến kênh Tham Lương người dân lắc đầu ngao ngán. Kênh Tham Lương có chiều dài hơn 20km, chảy qua địa bàn các quận: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12, Gò Vấp… Dòng kênh này từ lâu đã bị ô nhiễm nặng. Kênh Tham Lương chỉ là một phần trong hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật - rạch Nước Lên.
Hiện, hệ thống kênh này nằm ngay trong nội thành TPHCM, chạy thành hình vòng cung từ Đông Bắc đến Tây Nam khu trung tâm TP, nối liền sông Sài Gòn phía Đông và sông Chợ Đệm phía Tây Nam.
Vào năm 2013, khi dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bắt đầu được triển khai với tổng kinh phí gần 27.000 tỷ đồng, người dân TP rất kỳ vọng rằng dự án này sẽ “hồi sinh”, thay đổi diện mạo của dòng kênh ô nhiễm này.
Mấy năm qua, trong khi dự án cải tạo dòng kênh vẫn còn đang “ì ạch” thi công, thì đều đặn hàng ngày các công ty, cơ sở sản xuất vẫn trực tiếp xả một lượng lớn nước thải xuống dòng kênh, làm tình trạng ô nhiễm của dòng kênh này càng trở nên trầm trọng. Người dân sống dọc 2 bên bờ kênh vẫn thường hay gọi dòng kênh này với cái tên “dòng kênh thối”.
Kênh Tham Lương.
Cuối tháng 3, đi dọc theo tuyến kênh tại một số khu vực qua địa bàn quận Bình Tân, quận 12, Gò Vấp, chúng tôi quan sát thấy dưới kênh là dòng nước đen ngòm lừ đừ chảy đi, một số khu vực có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, các ống nước thải đen ngòm được đổ thẳng ra kênh.
Tại khu vực phường Tân Thới Nhất (quận 12), do đang bị “treo” nên người dân trong vùng đổ đầy chất thải trên 2 bờ kênh, tạo nên khung cảnh hôi hám và bẩn thỉu. Đi ngược về phía thượng nguồn của dòng kênh Tham Lương, chúng tôi quan sát thấy nhiều đoạn đã giải tỏa xong, đường đi đã dần hình thành, nhưng nước kênh lại ô nhiễm một màu đen.
Đặc biệt tại khu vực phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (nơi tập trung nhiều công ty và các cơ sở sản xuất) dòng nước đen kịt. Đứng tại khu vực chợ Cầu, phóng tầm mắt ra xa, người đi đường sẽ thấy 2 bên bờ kênh vô cùng nhuếch nhác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Hy vọng mới từ ADB
Hy vọng mới từ ADB
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đi qua 8 quận, huyện của TPHCM, được khởi động từ năm 2016, kỳ vọng sẽ cải tạo dòng kênh đen này thành dòng kênh trong xanh, tạo trục giao thông Bắc -Nam, tạo cảnh quan, làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người trong lưu vực rộng gần 15.000ha.
Tuy nhiên, do một số khác biệt trong vấn đề giải quyết đền bù, giải tỏa, tháng 6-2017, WB và UBND TPHCM đã thống nhất dừng gói tài trợ 400 triệu USD cho một số dự án chống ngập, cải thiện môi trường của TP. Hệ quả là một số dự án đang triển khai giữa chừng bị "chết đứng", nhiều dự án khác bị chậm tiến độ.
Một trong số đó là dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Dự án đã thực hiện xong giai đoạn 1 gồm nạo vét bùn dưới đáy kênh, tạo đường giao thông (đất) dọc hai bên kênh. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến thực hiện nhiều hạng mục như xây kè mái đứng, mái nghiêng, làm đường giao thông (trải nhựa) dọc hai bên kênh; xây dựng 2 cống ngăn triều ở đầu và cuối kênh (cống rạch Nước Lên và cống Vàm Thuật); lắp đặt cống dẫn nước thải về nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn (quận Tân Phú)... Giai đoạn 2 này dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2017-2020.
Mới đây, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết, ADB vừa thông báo sẵn sàng xem xét đầu tư dự án thoát nước mưa và nước thải tại 2 lưu vực Tham Lương - Bến Cát và Tây Sài Gòn.
Trong đó, ADB sẽ ưu tiên tài trợ giai đoạn 1 cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát (năm 2019). Theo đề xuất của ADB, để cải thiện tình trạng ngập úng lưu vực Tham Lương - Bến Cát cần phải được đầu tư các hạng mục gồm: 2 cống kiểm soát triều Vàm Thuật và cống Nước Lên, hệ thống cống bao quận Gò Vấp, hệ thống thu gom nước mưa, nước thải quận 12, Gò Vấp và Bình Thạnh, một đoạn kè dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên từ cầu Tham Lương đến sông Sài Gòn.
Tổng giá trị thực hiện các hạng mục này khoảng 350 triệu USD, tương đương khoảng 8.000 tỷ đồng. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP kiến nghị UBND TPHCM sớm phản hồi ADB cũng như chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ thủ tục theo quy định để có thể tiếp cận nguồn vốn.