Rác ùn ứ tại Nhà máy xử lý rác
240 tấn rác thải sinh hoạt/ngày được thu gom, vận chuyển tập kết về nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ để xử lý theo công nghệ đốt, chôn lấp. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy chỉ đáp ứng công suất tối đa 120 tấn/ngày, nên từ nhiều tháng nay các kho chứa rác tại nhà máy này đã đầy ắp, rác “bò” tràn ra ngoài, nước rỉ rác chảy tự nhiên ra khu vực xung quanh và ngấm xuống đất…
“Có khoảng gần 50.000 tấn rác đang ùn ứ trong kho chứa của nhà máy. Nguy cơ ô nhiễm không khí, đặc biệt là nước rỉ rác chảy tràn và ngấm xuống đất ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, nước sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi… Hậu quả về lâu dài không định lượng được” - lãnh đạo huyện Tư Nghĩa, nơi đặt nhà máy lo lắng.
Đây không phải lần đầu rác ùn ứ tại Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ. Những năm qua, tại nhà máy này luôn xảy ra tình trạng rác chất đống cao ngất trong kho chứa, do các lò đốt rác chạy cầm chừng, có thời điểm ngừng hoạt động. Nguyên nhân bởi công nghệ lạc hậu, chạy “bữa đực bữa cái”, tiến độ thi công các hạng mục công trình liên tục bê trễ.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thẳng thắn thừa nhận: “Nhà máy không đáp ứng năng lực xử lý rác thải sinh hoạt, đã đẩy tỉnh Quảng Ngãi vào thế bị động, lúng túng và khó khăn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt”.
Rơi vào thế bất đắc dĩ, tỉnh Quảng Ngãi từng có phương án chỉ đạo các huyện, thành phố có số lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại Nhà máy Nghĩa Kỳ phải tự tìm vị trí chôn lấp tại địa phương, giảm áp lực xử lý rác thải sinh hoạt trong một năm. Tuy nhiên, phương án vấp phải sự phản ứng của các địa phương, người dân nên không khả thi.
Do đó, tỉnh Quảng Ngãi chọn giải pháp tạm thời, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (BQL) đầu tư hố chôn lấp rộng 2,8ha với chi phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng, đảm bảo chôn lấp rác trong 3 năm. Tuy nhiên, lại cũng vẫn chưa thể triển khai vì theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi hố chôn lấp này chưa đủ điều kiện bàn giao đưa vào sử dụng cũng như xử lý rác đảm bảo quy định.
Để chờ bãi hố chôn lấp tạm của BQL hoàn thiện và xử lý rác đúng quy trình, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi cho các huyện, thành phố ký Hợp đồng với CTCP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc xử lý rác.
“Tuy nhiên, rào cản của hợp đồng đang “ngáng chân” Quảng Ngãi là công nghệ xử lý cả hai dây chuyền xử lý rác của Nhà máy chưa được đánh giá tác động môi trường, hiệu quả xử lý rác chưa được đánh giá, dự án dính nhiều sai phạm trrong quản lý đầu tư. Liệu lãnh đạo các địa phương có dám mạnh dạn ký Hợp đồng với đơn vị xử lý và chi trả chi phí này bằng ngân sách nhà nước”- đại diện lãnh đạo TP Quảng Ngãi, đơn vị được đề xuất ký Hợp đồng, băn khoăn.
Rác ùn ứ trong kho chứa cao gần chạm nóc bên trong kho
Quyết liệt làm sạch môi trường đầu tư
Năm 2018, tại Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ, người dân đã chặn tất cả các ngả đường không cho xe chở rác vào Khu vực nhà máy xử lý. Thời điểm này, căng thẳng giữa người dân và chủ đầu tư đến mức nhà máy phải đóng cửa khắc phục những tồn tại về môi trường.
Mãi 2 năm sau, năm 2020, sau cuộc đối thoại “nảy lửa” giữa ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi với người dân bằng những kế hoạch rõ ràng, cam kết cụ thể về tiến độ dự án và phương án tái định cư cho dân vùng dự án, nhà máy mới hoạt động trở lại.
Vậy nhưng, những cam kết về tiến độ dự án đến nay liên tục bị phá vỡ khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi rơi vào thế khó trong việc giữ lời hứa với dân. Không thể để một nhà máy như một “khối u” có thể ảnh hưởng vấn đề an ninh trật tự tại địa phương, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết liệt: “UBND tỉnh không chấp nhận một nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, yếu kém trình độ quản lý dẫn đến hệ luỵ đưa tỉnh vào thế bị động. Cùng với những tồn tại trong việc xử lý rác thải sinh hoạt trước đây đã dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh bãi rác”.
Để một dự án trọng điểm về xử lý môi trường lại gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự địa phương, ông Đặng Văn Minh thừa nhận thời gian qua tỉnh chưa kiên quyết, quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ, cũng như các vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ nên dẫn đến sự chậm trễ của dự án.
“Sự chậm trễ này do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, theo nhìn nhận thực tế nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, xuất phát từ năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư trì trệ, kéo dài mặc dù đã nhiều lần gia hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành, khả năng còn tiếp tục kéo dài” – ông Đặng Văn Minh cho biết.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ quy trình đầu tư của dự án, đề xuất phương án xử lý đúng quy định pháp luật.
“Yêu cầu thực hiện khẩn trương, quyết liệt, không ngại khó, không sợ mất lòng nhà đầu tư vì chủ trương của tỉnh là trân trọng các nhà đầu tư có năng lực thực sự để hợp tác, chia sẻ, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, không thể chấp nhận và không vì lệ thuộc nhà đầu tư mà gây ảnh hưởng xấu đến vấn đề ô nhiễm môi trường, sức khoẻ của người dân” – ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cương quyết.
Về lâu dài, ông Minh cho biết tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm khảo sát, đầu tư sớm một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tiếp theo với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các quy định về xử lý môi trường bền vững.
-Dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt Nghĩa Kỳ được cấp chủ trương đầu tư từ tháng 5-2016, vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, tiến độ thi công 15 tháng, kế hoạch được duyệt vận hành vào tháng 8-2017. Chủ đầu tư điều chỉnh kế hoạch lần 1 đến tháng 4-2018; điều chỉnh lần 2 đến tháng 9-2018; dự án tiếp tục được gia hạn đến 30-9-2019 hoàn thành và đưa vào khai thác (lần 1) và cho gia hạn tiến độ (lần cuối) đến 30-6-2021. Nếu không hoàn thành sẽ chấm dứt dự án.
- UBND tỉnh Quảng Ngãi đã 8 lần ra thông báo nhắc nhở: Thông báo số 81/TB-UBND ngày 26-4-2019; Thông báo số 147/TB-UBND ngày 24-6-2019; Ngày 12-9-2019 tiếp tục có Thông báo số 221/TB-UBND; Thông báo ngày 15-9-2019; Đến ngày 28-2-2020, UBND tỉnh lại ra Thông báo số 34/TB-UBND; Ngày 15-7-2020 UBND tỉnh phát Công văn số 3194/UBND-NNTN; Ngày 28-9-2020, tỉnh Quảng Ngãi lại ra Thông báo số 197. Đến ngày 9-2-2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại có Công văn số 655/UBND-NNTN cho phép gia hạn tiến độ (lần cuối cùng) đến ngày 30-6-2021.
- Những tồn tại và sai phạm tại dự án: Lò đốt rác số 1 chưa hoàn thiện hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định trình Bộ Tài nguyên-Môi trường; Chưa cấp phép xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng nhà đầu tư đã thi công 1 cụm; 5 hạng mục không phù hợp với chủ trương đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, nhưng đã thi công hoàn thành gồm lò đốt số 2+ống khói; bể tuần hoàn nước thải lò đốt số 2, nhà điều hành, trạm cân và bể nước sạch cấp nước lò đốt số 2, hệ thống PCCC; Chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai; Không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư; không hoạt động đầu tư theo đúng nội dung tại quyết định Chủ trương đầu tư.
- Nhiều thiết bị chưa được lắp đặt, phục vụ sản xuất như: hệ thống sản xuất phân hữu cơ, hệ thống vô cơ (sản xuất gạch), hệ thống sản xuất hạt nhựa tái sinh, hệ thống sản xuất viên nén nhiên liệu, hệ thống khử mùi, hệ thống xử lý nước, thiết bị phòng thí nghiệm, hệ thống điều khiển trung tâm..