Dự án sân bay Long Thành: Lo đội vốn, tăng nợ công

(ĐTTCO) - Chiều 24-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo nghiên cứu khả thi về Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.
Nếu đấu thầu, khó chọn đơn vị khác ngoài ACV
Tổng mức đầu tư Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD. Hiện nay dự án đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách, lựa chọn tư vấn và lập báo cáo nghiên cứu khả thi…
Chính phủ kiến nghị giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước giao, công trình thiết yếu của hàng không. Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi, chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh diện tích đất, điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng, xây dựng kết cấu hạ tầng dùng chung, chấp thuận chủ trương bổ sung 2 tuyến đường bộ…
Lý giải cho việc chỉ định làm nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói những nhiệm vụ này “chắc chắn sẽ đấu thầu trong nước, do sân bay gắn với an ninh quốc gia”. Thực tế là nếu tổ chức đấu thầu, cũng khó chọn đơn vị khác ngoài ACV. Công ty này đáp ứng đủ các điều kiện, kể cả khả năng huy động nguồn vốn tín dụng rất lớn để thực hiện dự án.
Cần công khai, minh bạch, khách quan
Thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa, nên đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư. Trong tổng số 4,194 tỷ USD của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải vay 2,628 tỷ USD.
Theo Chính phủ, khoản vay này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA. Tuy nhiên dự án thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ, nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Chính phủ cần báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.
Là ĐBQH tỉnh Đồng Nai, nơi triển khai dự án, ĐB Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề trong báo cáo tiền khả thi. Đơn cử, quốc lộ 51 bây giờ đã quá tải, những dự án đường sắt đô thị nêu ra đến năm 2040 mới có khả năng xây dựng.
Như vậy, giai đoạn 1 đến năm 2030 cần tính toán kỹ khả năng kết nối các tuyến này vào dự án ra sao, nhất là khi đường cao tốc TPHCM - Long Thành hiện đã quá tải. Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ chế giao đất đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án hợp tác đầu tư hoặc khai thác.
ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng, phải cụ thể hóa Nghị quyết 94 của Quốc hội về quyết định chủ trương đầu tư dự án một cách tổng thể. Trên cơ sở đó xác định thẩm quyền nào thuộc Quốc hội thì Quốc hội quyết, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ quyết.
Kể cả vấn đề chỉ định thầu hay đấu thầu cũng làm theo luật. Quốc hội ủng hộ chủ trương tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án, nhưng cần công khai, minh bạch, khách quan.

Các tin khác