Góp vốn 120 triệu USD tiền mặt
Dự án trường đua ngựa Sóc Sơn được xây dựng trên địa bàn 2 xã Tâm Minh, Phù Linh, với mục tiêu xây dựng trường đua ngựa, tổ chức hoạt động đua ngựa, hoạt động đặt cược đua ngựa, tổ chức đại lý đua ngựa bên ngoài đường đua, buôn bán nhập khẩu ngựa.
Bên cạnh đó, thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng, đơn vị có giấy phép sản xuất truyền hình trong nước, nhà đầu tư sẽ liên kết để sản xuất, xuất khẩu nội dung các chương trình đua ngựa ra 50 đại lý thuộc dự án, ra quốc tế phục vụ phát sóng truyền hình.
Doanh thu bình quân dự án trường đua ngựa Sóc Sơn khoảng 4.804 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 1.526 tỷ đồng/năm. Nguồn thu này chủ yếu đến từ hoạt động đặt cược đua ngựa, vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng. |
Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến 125ha, trong đó trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.
Theo tính toán của Tổng công ty du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd, dự án trường đua ngựa có tổng vốn đầu tư khoảng 9.557 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư khoảng 348 triệu USD. Nguồn vốn thực hiện dự án được huy động từ vốn tự có của nhà đầu tư 120 triệu USD, 300 triệu USD còn lại sẽ vay từ các tổ chức tín dụng.
Đối với phần vốn tự có, 2 nhà đầu tư cam kết trong vòng 90 ngày kể từ khi dự án được cấp phép sẽ góp đủ 84 triệu USD, và góp nốt 36 triệu USD còn lại tùy theo tiến độ dự án. Đối tác Global Consultant Network Co., Ltd còn cam kết góp 100% phần vốn tự có tham gia dự án bằng tiền mặt, trong đó góp hộ Tổng công ty du lịch Hà Nội 15% vốn tham gia dự án.
Trường đua ngựa Đại Nam, Bình Dương.
Ông lớn Charmvit đứng sau
Trường đua ngựa Sóc Sơn dự kiến được đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ quý I-2018 đến quý III-2019, hoàn tất các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2, từ quý IV-2019 đến quý I-2024 triển khai xây dựng tất cả hạng mục dự án. Cũng theo liên danh đầu tư giữa Tổng công ty du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd, khi đi vào hoạt động dự án trường đua ngựa sẽ tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ trên địa bàn Sóc Sơn.
Tuy nhiên, khi trình Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư, Bộ KH-ĐT đã chỉ ra những tác động tiêu cực dự án, như ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa, số lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng do thu hồi đất lên tới 3.280 lao động, trong khi dự án chỉ tạo việc làm cho khoảng 600 lao động.
Mới đây, khi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, ông Lee Daa Bong, Chủ tịch Tập đoàn Charmvit của Hàn Quốc, mong muốn TP tạo điều kiện tốt nhất để dự án trường đua ngựa sớm triển khai. Ông Lee Daa Bong cho biết các dự án khách sạn, sân golf Charmvit đã đầu tư tại Việt Nam đều không nợ về vốn. Lợi nhuận thu được từ các dự án này sẽ được tập đoàn tập trung đầu tư vào dự án trường đua ngựa Sóc Sơn.
Trước đó, trong hồ sơ đề xuất thực hiện dự án trường đua ngựa, Tập đoàn Charmvit đã có thư hỗ trợ tài chính dự án 113 triệu USD. Văn bản xác nhận hỗ trợ khoảng 75 triệu USD của Ngân hàng Hana, và ý định thư cho vay 360 triệu USD của Shinhan Bank.
Cũng liên quan tới việc đầu tư trường đua ngựa Sóc Sơn, thời gian qua Tập đoàn FLC cũng gửi văn bản đến UBND TP Hà Nội, đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư một khu phức hợp sân vận động, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí quy mô lớn có đường đua F1, trường đua ngựa tại các huyện ngoại thành Đông Anh, Mê Linh, hoặc Sóc Sơn, với tổng mức đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng.