Đại diện Sở LĐ-TB-XH Hà Nội dự báo, tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2022 tăng khoảng từ 6 – 7% so với năm 2021. Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động thưởng Tết cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm chỗ làm việc. Do vậy, đại diện Sở LĐ-TB-XH Hà Nội dự báo, tiền thưởng Tết của người lao động trong một số ngành nghề bị tác động sẽ giảm hơn so với năm 2021. Trong đó, mức giảm sâu thuộc về các ngành nghề may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
Trước đó, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cũng đã ban hành công văn gửi Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp tình hình lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị gửi báo cáo về Sở để tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội, Bộ LĐ-TB-XH trước ngày 25/12. Hiện nay Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đang tích cực phối hợp, đôn đốc các đơn vị tổng hợp gửi báo cáo.
Để đảm bảo chế độ, quyền lợi của người lao động, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cũng đã phối hợp Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.
Về công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết 2023, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết đã đề nghị các đơn vị nên có thêm những hoạt động sáng tạo, đổi mới tạo nên sự hấp dẫn riêng, không quá phụ thuộc vào những hoạt động mang tính lối mòn truyền thống. Với chủ trương chi đúng mục đích, đúng đối tượng, có đến đâu, chăm lo đến đó; đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô sử dụng tối đa nguồn kinh phí để chăm lo cho đoàn viên và người lao động; ưu tiên dành nguồn hỗ trợ để chăm lo cho những đơn vị nhỏ kể cả đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn; lao động yếu thế, khó khăn để họ thấy được sự ấm áp, quan tâm của tổ chức Công đoàn, từ đó có thay đổi trong nhận thức về vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.