Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam, nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập niên.
Dịch cũng khiến cho tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009, các hoạt động kinh tế bị dừng đột ngột, thương mại và đầu tư suy giảm; thị trường tài chính thế giới bất ổn, nhiều xu hướng mới về kinh tế, địa chính trị thế giới cũng được hình thành và dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc kiểm soát dịch trên toàn thế giới vẫn khó khăn, dẫn đến nhiều nước đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại do mở cửa nền kinh tế quá sớm.
Theo báo cáo, thu nhập hộ gia đình giảm sâu nhất do Covid-19. Cụ thể, trong thời điểm tháng 4-2020, thu nhập trung bình của các hộ gia đình được khảo sát chỉ vào khoảng 29,7% so với thu nhập tháng 12-2019 (giảm hơn 70%). Thu nhập giảm sâu dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo. Tháng 12-2019, trung bình tỷ lệ hộ nghèo là 11,3%, thì tỷ lệ này tăng lên tới 50,7% vào tháng 4-2020. Tỷ lệ hộ cận nghèo tăng từ 3,8% vào tháng 12-2019 lên 6,5% vào tháng 4-2020. Thu nhập giảm đã đẩy 47,8% các hộ gia đình không nghèo vào thời điểm tháng 12-2019 xuống dưới ngưỡng nghèo (thu nhập 700.000 đồng ở vùng nông thôn và 900.000 đồng ở khu vực thành thị).
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, cho biết dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể.
“Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng lên nhiều mặt kinh tế - xã hội và nhiều đối tượng, “mở rộng thị trường”, “thúc đẩy đầu tư”, “kích thích tiêu dùng” là những động lực tăng trưởng. Điểm mấu chốt là về dài hạn cần phải có những giải pháp vượt qua mức bình thường cho trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Về ngắn hạn, cần lấy tốc độ thực hiện chính sách là phương châm hàng đầu mới có thể sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển” - ông Khánh nói.
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho rằng, hiện nay cần sự kết hợp chặt chẽ giữa hành động sớm, có dự báo và linh hoạt của Chính phủ với những sáng kiến của người dân, đây sẽ là chìa khóa nhằm giảm thiểu những tác hại về mặt kinh tế xã hội của đại dịch.
UNDP khuyến nghị, Chính phủ cần có những hành động quyết liệt với những giải pháp đồng bộ kịp thời hơn nữa để hỗ trợ cho kinh tế hỗ gia đình như mở rộng các gói tín dụng, tăng cường phát triển chuỗi cung ứng nội địa, ngăn chặn tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động để giữ chân người lao động, tăng cường khả năng dịch chuyển việc làm thông qua dịch vụ đào tạo lại kỹ năng và dịch vụ tìm việc làm để bình ổn thị trường lao động trên các lĩnh vực phục hồi không đồng đều.