PHÓNG VIÊN: - Kết thúc năm 2019, ngành xi măng tiếp tục thiết lập kỷ lục về xuất khẩu với mức gần 34 triệu tấn, đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu xi măng trong năm 2020 phải chịu những áp lực nào, thưa ông?
Ông NGUYỄN QUANG CUNG: - 2018 là năm đầu tiên xi măng, clinker xuất khẩu đạt 1,246 tỷ USD với sản lượng 32 triệu tấn. 2019 tiếp tục là năm thành công về xuất khẩu của xi măng, clinker, với tổng sản lượng đạt xấp xỉ 34 triệu tấn, trị giá 1,394 tỷ USD, là năm thứ 2 lọt top câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, cũng là năm thứ 2 liên tiếp ngành xi măng ghi nhận mức xuất khẩu kỷ lục.
Điều này trái với dự báo ban đầu, do tác động từ chiến tranh thương mại, kinh tế thế giới chững lại và bất động sản lâm vào khó khăn, năm 2019 xuất khẩu xi măng chỉ đạt mức 2,5 triệu tấn.
Như vậy, thị trường xi măng thế giới trong năm 2019 vẫn ổn định đối với Việt Nam. Ước tính, tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ trong năm 2019 khoảng 98-99 triệu tấn, tăng 2% so với 2018.
Năm nay, Bộ Xây dựng dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tiếp tục tăng ở mức 4-5% so với năm 2019, đạt khoảng 101-103 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69-70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 32-34 triệu tấn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng mức tăng trưởng sẽ thấp hơn. Nguyên nhân do thị trường bất động sản không có nhiều dự án mới được triển khai, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng cũng không khá hơn.
Trong khi đó, đây là 2 nguồn tiêu thụ chính của ngành vật liệu xây dựng. Ngoài ra, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng, gây áp lực tăng giá xi măng, nếu không sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, nếu tăng giá cao quá sẽ không thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. Do đó, câu chuyện của ngành xi măng vẫn khá khó khăn, đây cũng là áp lực lớn đối với xuất khẩu trong năm nay.
- Không riêng gì bất động sản, hạ tầng giao thông đô thị chững lại cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành xi măng trong năm nay?
Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xi măng cần nắm bắt diễn biến thị trường thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng hoặc giảm nguồn cung hợp lý theo từng thời điểm để tránh bị ép giá, cũng như có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh. |
Tuy nhiên, trong 2-3 năm trở lại đây, nhiều dự án đang chững lại, các dự án mới có quy mô không nhiều, một phần cũng do tác động từ chính sách thắt chặt chi tiêu công của Chính phủ, nên thị trường nội địa của ngành xi măng mất đi một phân khúc đáng kể.
Hiện nay, thị trường nội địa của ngành xi măng chỉ còn phân khúc xây dựng dân dụng nhưng không đáng kể. Bởi vậy, năm 2019 xi măng xuất khẩu tăng cao một phần cũng vì thị trường nội địa bị dư thừa.
Có thể nói năm 2019, ngành xi măng đã kịp thời thay đổi để đối phó với những khó khăn khi thị trường bất động sản chững lại. Nhưng theo tôi, trong năm 2020 khó khăn cho ngành xi măng sẽ lớn hơn.
Nhất là thời điểm hiện nay, sau thời gian tái cơ cấu, sản lượng xi măng xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan đều tăng, sẽ khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh nhiều hơn.
Do đó, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xi măng trong nước cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng hoặc giảm nguồn cung hợp lý theo từng thời điểm để tránh bị ép giá, cũng như có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Có ý kiến cho rằng, dù liên tiếp trong 2 năm xuất khẩu của ngành xi măng luôn tăng cao, nhưng một thực trạng đang diễn ra là thị trường xi măng của ta vẫn còn manh mún, đầu tư sản xuất dàn trải, năng suất lao động và hiệu quả đầu tư của ngành thấp. Ông nhận xét thế nào về vấn đề này?
- Xi măng Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới khi có mặt tại 40 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đặc biệt, năm 2019 với việc xuất khẩu 34 triệu tấn đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng nhiều nhất.
Dù vậy, về dài hạn, tái cơ cấu, thu gọn đầu mối sản xuất, kinh doanh xi măng để phát triển mạnh hơn, là con đường ngành này phải tính đến. Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy các doanh nghiệp nước ngoài mới bước vào thị trường xi măng Việt Nam trong vòng 5 năm nay, chủ yếu đến từ các nước ASEAN, không phải các tập đoàn đa quốc gia.
Các đơn vị này chấp nhận rủi ro nhiều hơn và quyết định đầu tư vì 2 lý do chính. Thứ nhất, nhu cầu của doanh nghiệp họ đầu tư ra nước ngoài vì triển vọng kinh tế nội địa hạn chế (Thái Lan), hoặc chiến lược mua lại doanh nghiệp xi măng Việt Nam để xuất khẩu ngược về thị trường trong nước (Indonesia).
Thứ hai, tiềm năng dài hạn của ngành xi măng, cụ thể là tăng trưởng nhu cầu xi măng do triển vọng phát triển kinh tế với niềm hy vọng từng bước lành mạnh hóa thông qua cân đối cung cầu và cơ hội tham gia việc sáp nhập của ngành.
Hiện nay, Việt Nam có công suất xi măng khoảng 120 triệu tấn với hơn 60 nhà máy sản xuất, trong khi Thái Lan có công suất xi măng gần 60 triệu tấn với 5 nhà sản xuất. Việt Nam cũng có tới 2/3 số dây chuyền sản xuất xi măng chỉ có công suất 1 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 20% sản lượng toàn ngành.
Trong khi đó, quy mô tối thiểu để đảm bảo cạnh tranh của một nhà máy xi măng phải 2 triệu tấn/năm và quy mô của một doanh nghiệp xi măng ít nhất phải 5-10 triệu tấn/năm mới đảm bảo hiệu quả dài hạn, thông qua tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, đầu tư công nghệ mới.
Thực tế đã chứng minh, các nhà sản xuất xi măng quy mô lớn như Vissai, Xuân Thành, Vicem… luôn có được những lợi thế hơn hẳn trong kinh doanh và đàm phán xuất khẩu vì họ sản xuất có quy mô và tập trung. Do đó, tái cấu trúc một cách tổng thể ngành xi măng là điều cần được tính đến.
- Xin cảm ơn ông.