Tập trung sản phẩm mới
Ông Phạm Bá Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại DIC, cho hay ngay khi có thông tin Việt Nam dự định nối lại các chuyến bay quốc tế vào tháng 7-2020, nhiều đối tác tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đã gọi điện đặt phòng trước cho các chuyên gia của họ làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Phúc: “Đây là tín hiệu đáng mừng. Thời điểm này DN hoạt động cầm chừng, doanh thu chỉ dành trả lương nhân viên. Khi các đường bay quốc tế mở lại, hy vọng tình hình sẽ ổn hơn”.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, chia sẻ thị trường du lịch quốc tế đã rục rịch chuẩn bị tái khởi động, các đối tác khu vực ASEAN, Trung Quốc… liên tục gọi điện tìm hiểu về việc mở trở lại các đường bay, tour du lịch đến Việt Nam.
Nhìn chung, nhiều DN lữ hành chuyên tour quốc tế đều cho biết, trong suốt quá trình diễn ra giãn cách xã hội vẫn liền mạch gọi điện, trao đổi với đối tác về tình hình dịch bệnh, khả năng đón khách trở lại sau dịch. Do vậy DN hoàn toàn không bị động. Đáng chú ý, điểm nhấn sau dịch chính là DN lữ hành sẽ tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, lịch sử vùng miền…
Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi giá tốt tại khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng cũng bắt đầu được kích hoạt, không chỉ dành cho khách nội địa mà cho cả khách quốc tế đến Việt Nam.
Sàng lọc vùng an toàn
Trong bối cảnh hiện nay, không ít DN vừa mừng vừa lo nếu việc nối lại các chuyến bay quốc tế sớm triển khai như kỳ vọng. Bởi, lượng khách quốc tế đến nhiều hay ít, đó là đối tượng khách nào, nhà giàu hay bình dân, vẫn còn là ẩn số. Ngoài yếu tố sản phẩm du lịch thì yếu tố an toàn vẫn được du khách cực kỳ quan tâm.
Lãnh đạo một DN lữ hành dẫn chứng, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia… thiết lập “hàng rào” an toàn đón khách quốc tế khá chi tiết, thận trọng. Nước ta có thể tham khảo để “lọc” khách.
Ví dụ, Campuchia yêu cầu khách quốc tế đến nước này phải nộp 3.000USD tiền cọc tại sân bay đề phòng trường hợp cần chữa trị Covid-19, đồng thời trình thêm bảo hiểm du lịch trị giá tối thiểu 50.000USD.
Thái Lan áp dụng thỏa thuận “bong bóng du lịch” (kết nối du lịch cùng các thành phố, các nước kiểm soát tốt dịch bệnh), nhưng vẫn phải ưu tiên sức khỏe của người dân quốc gia này. Đặc biệt, Thái Lan sẽ sàng lọc du khách, tập trung vào dòng khách cao cấp đến nghỉ dưỡng tại các hòn đảo, thay vì đón đa dạng đối tượng du khách như trước đây.
Việt Nam cũng đã có kế hoạch thí điểm triển khai đón khách quốc tế đến nghỉ dưỡng tại một số hòn đảo. Thông tin này được ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết tại một cuộc họp với Sở Du lịch TPHCM. Cũng theo ông Khánh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT-DL chủ trì xây dựng đề án từng bước đón khách quốc tế, mà trước mắt sẽ cùng tỉnh Kiên Giang xây dựng phương án đón du khách đến Phú Quốc, nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Để phục hồi hoàn toàn ngành du lịch, nước ta sẽ trải qua 4 giai đoạn, bao gồm: phát triển du lịch nội địa; thí điểm đón khách quốc tế đến các khu nghỉ dưỡng phù hợp, đáp ứng điều kiện an toàn phòng chống dịch; đón khách từ các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh; phục hồi hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhìn nhận tác động của dịch Covid-19 đến ngành du lịch rất nặng nề. Nhiều DN lữ hành chuyên tour quốc tế phải tạm chuyển hướng phục vụ khách nội địa.
Hiện tại, Sở Du lịch TP tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan; đồng thời cũng chuẩn bị cho chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố với các kế hoạch truyền thông sâu rộng.
Ví dụ, triển khai xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến TPHCM trong năm 2020 với chiến dịch “Đại sứ du lịch TPHCM - TPHCM Xin chào”; tập trung cho các sự kiện du lịch - văn hóa như Ngày hội Du lịch TP kết hợp Liên hoan ẩm thực Món ngon các nước (dự kiến tháng 8-2020), Lễ hội Áo dài TPHCM (tháng 10-2020)…