Ngành du lịch TPHCM từ lâu đã xác định du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2011-2015 nhằm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng dù đã xác định cụ thể nhưng loại hình du lịch này vẫn chưa được hỗ trợ phát triển.
Nhiều tiềm năng
Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, sức hấp dẫn từ các tuyến du lịch đường sông là một yếu tố quan trọng cuốn hút du khách đến các nước châu Âu, Bắc Phi và châu Mỹ. Nhận định được tiềm năng của phân khúc này, nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch đường sông thành mũi nhọn của ngành, thậm chí liên kết xuyên quốc gia để tăng thêm sức hấp dẫn.
Lượng du khách tham gia vào loại hình du lịch này tăng hàng triệu lượt mỗi năm dù giá dịch vụ không hề rẻ, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều nước. Do vậy, các hãng lữ hành nổi tiếng trên thế giới không ngừng liên kết với các hãng tàu du lịch lớn để thiết kế, mở tour du lịch đường sông với tần suất cao.
Nhìn thấy tiềm năng đó, du lịch Việt Nam xác định du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược của ngành để đẩy mạnh phát triển. Tuy vậy, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện nay du lịch đường sông mới có 70% tuyến thuộc tầm ngắn, các tuyến đòi hỏi sự liên kết như tuyến tầm trung và dài chiếm rất ít và chủ yếu phát triển mạnh ở khu vực phía Nam.
Trong đó, TPHCM - địa điểm có hệ thống đường sông khá phong phú nối dài với rừng ngập mặn Cần Giờ cũng như các tỉnh Đông Nam bộ - du lịch đường sông được khai thác khoảng 10 năm nay đã đạt được một số thành công nhất định. Với cơ sở đó, TPHCM được chọn sản phẩm du lịch trọng tâm để đầu tư, khai thác.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TPHCM, thời gian qua, các công ty du lịch trên địa bàn đã mở rộng khai thác tốt nhiều tuyến du lịch trong và ngoài thành phố. Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, cho rằng các tour du lịch đường sông đang rất hấp dẫn khách du lịch quốc tế nên cần được quan tâm khai thác đúng mức.
Chỉ với tuyến du lịch đường sông từ TPHCM dọc theo sông Thị Vải và tuyến đến rừng ngập mặn Cần Giờ, mỗi năm công ty đã đón khoảng 1.000 du khách nước ngoài đến từ Hoa Kỳ và Đức tham gia và đánh giá rất cao về loại hình này.
Thiếu hạ tầng
Dù TPHCM đã đạt được một số thành công khi khai thác loại hình du lịch này, nhưng theo nhận định của một đại diện thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), du lịch đường sông tại TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô còn nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu, các tuyến được triển khai thưa thớt, thiếu các điểm dừng chân phục vụ nhu cầu của du khách nên chưa thể phát triển mạnh.
Ngoài ra, TPHCM chưa có kế hoạch khai thác, xây dựng các cảng riêng cho du lịch đường sông, nên các công ty du lịch phải dùng chung bến tàu vận chuyển hàng hóa. Điều này khiến nhiều lúc khách đã đến nhưng tàu không cập bến được, mỗi lần cập bến chỉ được dừng vài phút phải rời bến ngay, gây ra không ít phiền nhiễu. Hiện TPHCM có 3 bến tàu khách là Bến Bạch Đằng (quận 1), Bến Tôn Thất Thuyết (quận 4) và Bến cầu Hiệp An, khu vực Bình Đông (quận 8).
Tàu du lịch chạy trên sông Sài Gòn với chương trình ca múa nhạc, |
Trong đó, chỉ có Bến Bạch Đằng đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch đường sông, nhưng lại thiếu các nhà chờ đầy đủ tiện nghi và tiêu chuẩn cho du khách. Các bến tàu còn lại đang xuống cấp dần, không thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu, thiếu an toàn cho du khách.
Với nhiều yếu tố bất lợi như vậy, các DN khai thác du lịch đường sông muốn mở rộng cũng không được. Nhiều DN cho biết đã sẵn sàng đầu tư tàu, thuyền để khai thác nhưng không có bến đỗ nên đành dậm chân tại chỗ vì nếu đậu trong bờ, khi thủy triều xuống tàu sẽ bị nghiêng, còn đậu ngoài xa lại thiếu an toàn vì cản dòng chảy. Khi đưa vào khai thác, việc thiếu bến đỗ để vào các điểm dừng chân cũng cản trở sự phát triển của loại hình này.
Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty Du lịch Thuyền buồm Đông Dương, cho biết đầu tháng 9 công ty đã tiến hành khai thác tour du lịch đường sông nội đô đầu tiên tại TPHCM, xuất phát từ bến Bạch Đằng dọc theo kênh Tàu Hủ đến quận 8. Du khách sẽ được dừng chân tại chùa Long Hoa để tham quan. Tour được thiết kế nhằm giúp khách tham quan thưởng thức không khí mát mẻ của sông nước giữa thành phố ồn ào, nhìn ngắm sự đổi thay qua từng thời kỳ để tạo ra sự mới lạ.
Tuy nhiên, Công ty Đông Dương chỉ mới đưa vào hoạt động 3 tàu, mỗi tuần chỉ có 1 tour vào sáng chủ nhật vì lo không có khách. Điểm hạn chế khiến DN không dám mở rộng là trạm dừng chân tại chùa Long Hoa chỉ mới có cầu tạm để khách vào bờ, còn muốn kết hợp tham quan các địa điểm nổi tiếng như đình Bình Đông, chợ Bình Tây lại không thực hiện được do không có bến đỗ.
Do đó, các công ty lữ hành cho rằng muốn đưa du lịch đường sông thành một sản phẩm trọng điểm như mục tiêu đề ra, ngành du lịch TPHCM cần phải gấp rút nâng cấp, cải tạo và xây dựng các bến tàu, nhà chờ đón khách đủ tiêu chuẩn, lập lại quy hoạch phát triển các khu vực ven sông để hỗ trợ các công ty lữ hành về hạ tầng.