Brian Gibbs, một người đàn ông sống ở New Jersey, Mỹ, đã lên kế hoạch đến thăm bãi biển Hallandale, Florida vào năm ngoái, khi quảng cáo chương trình giảm giá đặt phòng của một khách sạn được gửi đến máy tính của anh.
“Tôi chọn ngày, thanh toán trước bằng thẻ tín dụng. Sau đó, tôi gọi đến khách sạn và báo rằng tôi muốn hủy đặt phòng, nhưng nhân viên ở đó phản ứng như thể không có tên của tôi ở trong danh sách khách đã đặt phòng”, Gibbs nói với Fox News.
Anh cho biết đã đặt phòng khách sạn thông qua website của một bên thứ ba. Website này không có thông tin số điện thoại hay email để liên lạc. Tổng cộng, Gibbs mất khoảng 1.600 USD.
Đây là một trong số những kịch bản lừa đảo phổ biến được FBI cảnh báo, đặc biệt là vào mùa lễ hội sắp tới. Trợ lý Đặc vụ Ray Johnson, phụ trách bộ phận Las Vegas của FBI cho biết: “Đó là thời điểm thuận lợi để những kẻ lừa đảo lợi dụng những người mà chúng đã theo dõi trong suốt 2 năm qua.”
Năm ngoái, Trung tâm Khiếu nại tội phạm Internet của FBI đã nhận được gần 800.000 báo cáo, với tổng thiệt hại lên đến hơn 4 tỷ USD. Đây là con số cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Johnson cho biết việc mua sắm trực tuyến đã tăng lên đáng kể trong thời kỳ đại dịch, và số lượng các vụ lừa đảo được báo cáo cũng tăng lên theo đó.
FBI khuyến cáo người tiêu dùng: Hãy đề phòng những email và tin nhắn văn bản không rõ người gửi. Nếu liên kết có vẻ đáng ngờ, đừng nhấp vào liên kết đó. Bỏ qua cuộc gọi tự động. Nghiên cứu các website đặt phòng trước khi đưa ra quyết định. Thanh toán bằng thẻ tín dụng thay vì thẻ ghi nợ hoặc tiền mặt.
Một biện pháp phòng ngừa khác được FBI khuyến nghị là đặt phòng trực tiếp với các công ty nổi tiếng, uy tín hơn là thông qua bên thứ ba.
"Tôi nghĩ câu ngạn ngữ cũ: Nếu nó có vẻ quá tốt để trở thành sự thật, thì có thể là đúng như vậy", Johnson nói.