Ngày 3-5, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ, Hà Nội ước đón hơn 550.000 lượt khách, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón khoảng 2.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước trên 1.500 tỷ đồng.
Để thu hút khách, dịp lễ năm nay, thành phố tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022 thu hút hơn 65.000 lượt khách. Các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện đa dạng, hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cụ thể, thị xã Sơn Tây tổ chức khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; điểm du lịch Làng Bát Tràng ra mắt tour du lịch “Dấu chân Làng cổ Bát Tràng” và nhiều chương trình, sự kiện hưởng ứng “Tuần lễ du lịch Bát Tràng”; Hoàng thành Thăng Long với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân khai trương “Lễ hội tình yêu năm 2022”; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với chương trình “Chợ phiên vùng cao phía Bắc”; Công viên Thiên đường Bảo Sơn với “Ocean festival”...
Ở khu vực miền Trung, du khách chuyển hướng tìm đến các chợ truyền thống, điểm du lịch trong nhà thay vì ngoài trời do thời tiết xấu. Tại công viên Tứ Tượng (TP Huế), đông đảo du khách và người dân hưởng ứng ngày hội “Huế - Kinh đô ẩm thực”, thưởng thức đặc sản vùng miền. Ở chợ Cồn, chợ Hàn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), các quầy hàng bán đồ thực phẩm, hải sản chế biến, nông sản… tấp nập các nhóm khách du lịch đến mua sắm. Theo ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn, mỗi ngày chợ đón khoảng 5.000-6.000 lượt khách du lịch tới tham quan mua sắm.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại địa phương từ 30-4 đến 3-5 ước đạt hơn 254.000 lượt, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn khách chủ yếu đến từ các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Hà Nội và TPHCM. Trong khi đó, lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Hội An trong 4 ngày lễ vào khoảng 80.000 lượt, đây là mức kỷ lục cùng kỳ 2 năm trở lại đây dù thời tiết không thuận lợi. Thời tiết có mưa làm du khách chuyển hướng sang các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa trong nhà như chùa Cầu, bảo tàng, các nhà cổ và chợ Hội An. Riêng đảo Cù lao Chàm, trong ngày 30-4, có 32 lượt tàu ra vào đảo, vận chuyển gần 1.000 lượt khách. Từ ngày 1-5 đến nay, do biển động, tuyến vận tải hành khách Cửa Đại - Cù lao Chàm tạm dừng hoạt động.
Tại khu vực phía Nam, theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượt khách đến tham quan du lịch là hơn 296.700 lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có trên 5.000 lượt khách quốc tế, tăng 66,4% so với cùng kỳ. Riêng TP Phú Quốc đón 128.739 lượt khách, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Công suất phòng lưu trú bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 60%; các địa phương như huyện đảo Kiên Hải và đảo Phú Quốc đạt trên 80%, phân khúc khách sạn từ 3-5 sao tại Phú Quốc đạt trên 95%. Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho hay, nhìn chung dịp lễ năm nay tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo, không xảy ra tình trạng chèo kéo, tranh giành khách hay tăng giá bất thường.
Lượng khách đến Thừa Thiên - Huế từ ngày 29-4 đến 1-5 đạt khoảng 30.000 lượt, doanh thu khoảng 47 tỷ đồng. Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, dịp nghỉ lễ địa phương đón khoảng 132.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế ước đạt 1.500 khách. Trung tâm quản lý và hỗ trợ du khách TP Vũng Tàu cho biết, do thời tiết không thuận lợi, trong dịp nghỉ lễ, các khu du lịch chỉ đón và phục vụ hơn 165.000 lượt khách, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại An Giang, trong 4 ngày nghỉ lễ ước tính có khoảng 300.000 lượt du khách trong và ngoài nước tới địa phương này tham quan, tăng 51% so với cùng kỳ 2021. Phần lớn du khách tới An Giang chọn lên núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, viếng miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam. Các khu du lịch sinh thái, làng hoa Sa Đéc, Tràm Chim... tại Đồng Tháp rất đông khách, trong 4 ngày đón khoảng 100.000 lượt du khách. Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau cho biết, có hơn 83.200 lượt khách đến tham quan trong dịp lễ năm nay, tăng 67% so với cùng kỳ. |