Du lịch nội 'thấp thỏm' vì giá vé máy bay

(ĐTTCO) - Giá vé của nhiều chặng bay trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cũng như trong dịp cao điểm hè sắp tới, đang neo ở mức cao khiến nhiều du khách ngần ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hút khách du lịch nội địa.

Các hãng hàng không đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng.
Các hãng hàng không đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng.

Khan tàu bay, vé cao ngất ngưởng

Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài nên chị Nguyễn Hạ (Hà Nội) lên kế hoạch đi nghỉ cùng gia đình. Thế nhưng, khi xem giá vé máy bay ý định cùng cả gia đình vào Phú Quốc nhanh chóng bị dập tắt. Với đường bay Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 27-4 và về ngày 1-5, giá vé khứ hồi của 1 khách lên tới 8 triệu đồng (cho hạng phổ thông, đã bao gồm thuế phí).

Chuyển hướng chuyến đi vào TPHCM cũng trong thời điểm này, giá vé khứ hồi của 1 khách hạng phổ thông cũng khoảng 5 triệu đồng. Tương tự, nếu từ Hà Nội đi Đà Nẵng mức giá cũng trong khoảng 5 triệu đồng. Đáng nói giá vé này đều là những giờ bay sớm hoặc trễ, còn giờ bay đẹp giá còn cao hơn nữa.

Thời điểm này, khi chỉ còn cách kỳ nghỉ lễ khoảng nửa tháng, giá vé từ đầu Hà Nội đi nhiều điểm du lịch hiện đang rất nóng. Không chỉ đầu Hà Nội, nếu xuất phát từ TPHCM đi nhiều điểm nhất là những điểm đến ít chuyến bay như Côn Đảo, giá vé máy bay cũng khiến không ít du khách ngán ngẩm. Một số đại lý vé máy bay còn đùa rằng, giờ có lên báo, tivi cũng không mua được vé máy bay giá rẻ. Giá vé hiện cũng không khác cao điểm Tết Nguyên đán là bao.

Đúng như vậy, trên hầu hết các phương tiện truyền thông hiện nay đều khẳng định giá vé của nhiều đường bay nội địa rất cao, nhất là trong dịp lễ và hè. Khác với mọi năm, dù du khách có đặt vé sớm từ bây giờ cho chuyến đi vào tháng 6-7 (sớm 2, 3 tháng), cũng khó săn được mức giá rẻ như những năm trước. Nguyên nhân do thiếu tàu bay. Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết các hãng hàng không đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng.

Cụ thể, theo Cục Hàng không Việt Nam, số máy bay hoạt động thương mại của 6 hãng hàng không đến cuối tháng 3 còn khoảng 170, giảm 40-45 chiếc so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là một số hãng tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm quy mô đội tàu bay.

Đơn cử, Bamboo Airways trước đây có 28 máy bay, giờ chỉ còn 9 chiếc hoạt động sau khi trả công ty cho thuê toàn bộ máy bay Embraer E190; Pacific Airlines trả hết 6 tàu bay Airbus 320 để tái cấu trúc đội bay. Ngoài ra, từ năm nay nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW), phải triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Vietnam Airlines và Vietjet Air có khoảng 40 máy bay sử dụng động cơ này, nên sẽ phải dừng khai thác năm 2024-2025 để bảo dưỡng, bắt đầu từ tháng 1.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện việc thuê máy bay vừa khan hiếm, vừa tăng giá. Nếu thời điểm trước Tết, giá thuê máy bay A321 là 2.300 USD/giờ, hiện tại con số này đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Theo tính toán, cao điểm hè năm nay, tải cung ứng cần khoảng 24-26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số máy bay để phục vụ đợt cao điểm dự kiến thiếu từ 24-26 chiếc.

Ngành du lịch lại thấp thỏm

Giá vé máy bay tăng cao khiến ngành du lịch lại thấp thỏm, nhất là với những điểm đến khách chủ yếu tới theo đường hàng không như Đảo ngọc Phú Quốc. Thời gian qua, Phú Quốc được đầu tư thêm nhiều tổ hợp giải trí nhằm thu hút khách du lịch, thế nhưng với mức giá vé như hiện nay, chưa biết kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay cũng như dịp hè sắp tới chuyện gì sẽ đến với Đảo ngọc. Liệu tình trạng vắng khách có xảy ra như năm ngoái hay không?

Khi nhắc đến du lịch Phú Quốc, có không ít ý kiến cho rằng Phú Quốc nên chuyển hướng hút khách chi tiêu cao cũng như đẩy mạnh hút khách quốc tế, nhưng thực tế khách quốc tế cũng chỉ có mùa cao điểm từ tháng 10 đến khoảng tháng 3 năm sau. Còn khách Việt chi tiêu cao chưa chắc đã chọn điểm đến này.

Nếu nhìn chung cả ngành du lịch, giá vé máy bay tăng cao sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các tour nội - ngoại càng trở nên gay gắt hơn. Thử đặt lên bàn cân một bên là giá vé khứ hồi đi Phú Quốc khoảng 8 triệu đồng, còn một bên giá tour trọn gói đi Thái Lan cũng mức giá tương tự, hẳn nhiều người sẽ chọn đi Thái Lan vì sẽ không phải tốn thêm bất cứ chi phí nào (trừ mua sắm), còn đi Phú Quốc sẽ phải chịu thêm phí ăn ở, di chuyển…

Chưa hết, việc đi nước ngoài luôn mang đến sự hấp dẫn cho du khách bởi sự mới lạ và thỏa mãn nhu cầu khám phá. Nếu nhìn lại những năm trước, có lẽ chỉ có năm 2022 là du lịch nội địa bùng nổ khi nhiều quốc gia chưa mở cửa lại sau dịch. Còn lại người Việt rất chuộng các tour ngoại, đặc biệt là tour đi các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á nhất là vào các dịp lễ, hè và nguyên nhân bởi: giá tour nước ngoài hợp lý, sản phẩm du lịch thu hút, cách làm chuyên nghiệp, nhiều chỗ mua sắm, vui chơi…

Tại họp báo về Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM 2024) diễn ra mới đây, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay năm 2024 ngành du lịch tập trung thu hút khách quốc tế, tuy nhiên không thể bỏ qua thị trường nội địa. Việc giá vé máy bay tăng cao cũng là một thách thức lớn trong việc phát triển du lịch nội địa.

Trong bối cảnh giá vé đang tăng cao không ngừng như hiện nay, bên cạnh việc nỗ lực duy trì giá tour do đã “ôm” vé từ trước, không ít doanh nghiệp lữ hành chuyển hướng sang các tour đường bộ, đường sắt nhiều hơn để phục vụ du khách.

Đây cũng là một hướng đi, thế nhưng về lâu dài cách làm này có thể khiến cho các điểm đến mất đi lượng khách không nhỏ. Chẳng hạn các điểm đến khu vực phía Bắc sẽ có ít khách từ phía Nam, do vé máy bay cao còn tàu hỏa Bắc-Nam lại chưa thể đáp ứng theo yêu cầu tàu du lịch và ngược lại.

Vấn đề kết nối hàng không và du lịch lại một lần nữa được bàn tới. Song có lẽ kết quả sẽ còn khó tìm hơn những năm trước khi nguyên nhân thiếu tàu bay chưa được giải, lại thêm đến nay vẫn thiếu đi một “nhạc trưởng” để dung hòa lợi ích giữa các bên. Vì thế nên vẫn mạnh ai nấy làm.

Các tin khác