Mỗi quận, huyện phải có sản phẩm đặc trưng
Báo cáo từ Agoda về xu hướng du lịch hè 2022 đã gây nhiều bất ngờ, khi TPHCM (địa phương vốn được coi là thị trường nguồn, cung cấp khách cho các điểm đến khác) dẫn đầu top 10 điểm đến yêu thích nhất năm 2022 của người dân. Kết quả này được Agoda phân tích dựa trên dữ liệu đặt phòng của nền tảng này, được đối chiếu từ tháng 5 đến tháng 8-2022.
Theo số liệu thống kê 7 tháng năm 2022, TPHCM có lượng khách quốc tế đến ước đạt 765.585 lượt, tăng 100% so cùng kỳ 2021 và đạt 21,87% so với kế hoạch 2022. Khách du lịch nội địa đến TP ước đạt 13,3 triệu lượt, tăng 71,73% so cùng kỳ 2021, đạt 66,54% so với kế hoạch năm 2022. Tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ 2021, đạt 75,5% so với kế hoạch năm 2022.
Điều gì đã khiến du lịch TPHCM ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách trong nước. Câu trả lời là sự nỗ lực xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm vốn có của ngành du lịch TP. Nếu trước đây nhắc đến TPHCM, du khách sẽ nghĩ ngay đến những điểm thăm quan nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…
Nay với chiến lược “mỗi quận/huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng”, nhiều sản phẩm du lịch mới sẽ được giới thiệu đến du khách. Ngay trong dịp lễ 2-9 tới, 2 sản phẩm du lịch “Hóc Môn - vùng đất lịch sử” và “Quận 12 - còn bao điều mới lạ” sẽ được giới thiệu đến du khách, với những giá trị văn hóa của địa phương, các công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc.
Trước đó, các quận 1, 5, Gò Vấp, Tân Phú… đã kết hợp cùng doanh nghiệp lữ hành triển khai nhiều sản phẩm. Tiêu biểu như quận 5 phát triển sản phẩm “Về Chợ Lớn xem múa lân”, đồng thời phát triển chuỗi sản phẩm “Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn”. Hay Gò Vấp có sản phẩm “Gò Vấp - trăm năm tìm lại dấu xưa”. Tân Phú cũng tích cực làm mới những sản phẩm như địa đạo Phú Thọ Hòa, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân… để đưa vào phục vụ du lịch.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhấn mạnh chiến lược "mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng" là nỗ lực của TP trong việc khai thác những giá trị lịch sử, điểm đến hấp dẫn chưa được đưa vào khai thác du lịch. Đây cũng là chiến lược của ngành du lịch TPHCM trong việc đưa TP trở thành điểm đến hấp dẫn.
Không chỉ khai thác mới, việc làm mới những sản phẩm cũ cũng đang được triển khai tích cực. Như quận 1 mới đây ra mắt sản phẩm tìm về các địa điểm lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn, vốn là sản phẩm văn hóa lịch sử được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả trong thời gian qua.
Với lần làm mới này sẽ mang đến cho du khách nhiều hơn điểm nhấn đặc sắc của du lịch TP. Tương tự, Cần Giờ, điểm đến quen thuộc với nhiều du khách đang được các doanh nghiệp lữ hành làm mới, với những trải nghiệm như trekking, chèo thuyền Sup…
Tiềm năng rộng mở
Tiềm năng rộng mở
Không chỉ phát triển các sản phẩm du lịch vốn có ở địa phương mình, những năm gần đây TPHCM không ngừng đẩy mạnh liên kết với các địa phương, nhằm mang đến cho du khách những tour liên kết mới lạ, độc đáo.
Một trong số đó là tour du lịch bằng tàu hỏa, buýt sông liên kết với Đồng Nai xuất phát từ ga Sài Gòn. Theo hành trình này, sau 45 phút đi tàu hỏa, du khách có thể đến tham quan Bảo tàng Đồng Nai, khu du lịch Bửu Long hay tham quan chùa Ông, ngôi chùa nổi tiếng của cộng đồng người Hoa, vui chơi khu du lịch Sơn Tiên...
Sau đó, khách sẽ được nối chuyến để khám phá các điểm đến ở TP Thủ Đức như chùa Bửu Long, Bảo tàng Áo dài... Hành trình sẽ kết thúc bằng xe buýt đường sông cập bến Bạch Đằng (quận 1). Dự kiến đây sẽ là tour liên kết thu hút nhiều du khách.
Sản phẩm, dịch vụ đang ngày càng được ngành du lịch TPHCM đa dạng thế nhưng chủ yếu vẫn là các sản phẩm ban ngày, trong khi việc phát triển sản phẩm du lịch, giải trí về đêm (từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau) dường như vẫn còn nhiều khoảng trống. Thực tế, việc phát triển kinh tế đêm, mà trước mắt tập trung vào phát triển du lịch, đã được nhiều doanh nghiệp du lịch nói đến từ nhiều năm qua.
Tại hội thảo "Đột phá kinh tế từ du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel, từng khẳng định nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong tour của khách. Tiềm năng được chỉ ra nhưng sau vài năm mọi thứ vẫn chưa có nhiều biến động.
Vậy TPHCM có thế mạnh để phát triển kinh tế đêm? Câu trả lời là có. Nếu nói về ẩm thực, TPHCM là nơi quy tụ nét phong phú của văn hóa ẩm thực nhiều vùng miền, nhiều quốc gia. Về thế mạnh dịch vụ, giải trí TPHCM không thua kém tỉnh/thành nào.
Chưa kể TP còn có thế mạnh về không gian mặt nước, nếu khai thác tốt không chỉ phát triển sản phẩm ban ngày với các sản phẩm du lịch đường sông, còn có thể khai thác cho các sản phẩm dịch vụ ban đêm.
TPHCM đã có sản phẩm du lịch về đêm như ăn tối trên du thuyền trên sông Sài Gòn, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, À Ố Show, chợ đêm Bến Thành… Nhưng những sản phẩm này vẫn mờ nhạt, chưa thu hút du khách, chưa khiến du khách chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt chưa có điểm nhấn khiến du khách phải trải nghiệm khi tới du lịch như nhiều TP lớn trên thế giới làm được.
Gần đây TP phát triển thêm một số sản phẩm về đêm. Như tại Cần Giờ du khách có thể trải nghiệm khám phá rừng ngập mặn về đêm; quận 3 và 5 triển khai một số hoạt động về đêm; Sở Du lịch TP đang rốt ráo triển khai sản phẩm “Huyền bí đêm Sài Gòn”… nhưng hiệu quả có lẽ vẫn cần thời gian kiểm chứng.
Nếu trước đây nhắc đến TPHCM, du khách sẽ nghĩ ngay đến những điểm thăm quan nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện hay Bảo tàng chứng tích chiến tranh… Nay với chiến lược “mỗi quận/huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng”, nhiều sản phẩm du lịch mới sẽ được giới thiệu đến du khách. |