Những ngày đầu tháng 1-2024, nhiều điểm đến ở TP HCM nhộn nhịp khách quốc tế. Sau khi đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, du lịch thành phố tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi đang trong mùa cao điểm của dòng khách này, đặc biệt là sự đột biến của khách tàu biển.
Tấp nập khách đến
Anh Schilti đến từ Thụy Sĩ đến TP HCM chiều 8-1 cho biết đây là lần thứ 3 anh tới Việt Nam, trong đó có TP HCM, vì không khí nhộn nhịp ở thành phố. Du khách này bày tỏ ý định sẽ trở lại TP HCM.
Những ngày này khắp nơi ở khu vực trung tâm thành phố, những điểm tham quan, bảo tàng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện… đều tấp nập khách quốc tế. Khu vực lễ tân của các khách sạn 5 sao như Grand, Rex, Sheraton, Caravelle nhộn nhịp khách ra vào.
Chị Hoàng (ngụ quận 3, TP HCM) cho hay khách châu Âu đến thành phố năm rồi không nhiều nhưng năm nay rất đông - nhất là khách đi theo nhóm gia đình, nhóm bạn bè; khách Ấn Độ đi theo gia đình cũng nhộn nhịp khắp nơi.
Tại hội nghị tổng kết ngành du lịch TP HCM năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do Sở Du lịch tổ chức chiều 10-1, ông Philippe Le Bourhis - Tổng Giám đốc khách sạn MGallery Hôtel des Arts Saigon, thành viên tư vấn cấp cao của Tập đoàn Accor - nhận định phân khúc khách sang và cao cấp tại Việt Nam, nhất là TP HCM, phục hồi nhanh hơn các thị trường khác trong thời gian qua. Có được điều này là do hệ thống khách sạn của ông không phụ thuộc lớn vào khách Trung Quốc và khách Nga. Năm 2023, khách Mỹ và châu Âu đến hệ thống khách sạn của ông đông nhất, với công suất phòng cả năm lên tới 85%.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Hồng, cho biết chỉ riêng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện công ty khai thác 3 sản phẩm tour, trong đó phục vụ khách quốc tế ngày càng nhiều, gần như ngày nào cũng có đoàn đi tour. Công ty này đang tập trung đầu tư sản phẩm du lịch về đêm liên quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để thu hút thêm khách.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, năm 2023, thành phố tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về doanh thu, tỉ lệ khách với gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch trên 160.000 tỉ đồng, vượt xa con số 140.000 tỉ đồng doanh thu của năm 2019 - trước dịch COVID-19.
Công tác phát triển sản phẩm du lịch chuyển biến tích cực theo hướng xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố và sản phẩm du lịch theo từng thị trường trên cơ sở nâng chất các sản phẩm hiện có, hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
"Thành phố đã công bố gần 50 sản phẩm du lịch với 20 sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mới lạ và đặc sắc cho nhiều phân khúc khách du lịch trung và cao cấp" - ông Hiền Hòa nói.
Liên kết để có sản phẩm "chất" hơn
Năm 2024, ngành du lịch TP HCM đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch ước đạt 190.000 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu này, Sở Du lịch cho biết sẽ tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030 với mục tiêu chính là tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch; thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch.
Thành phố sẽ tập trung các sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Cụ thể là du lịch MICE, golf, du lịch tàu biển và phát triển các hoạt động ẩm thực, giải trí, mua sắm và hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Để du lịch thành phố hấp dẫn hơn, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, góp ý muốn nâng chất sản phẩm du lịch cần sự liên kết sản phẩm quận, huyện; từ đó chọn những điểm đến thật sự hấp dẫn giới thiệu tới du khách. Đối với các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, điểm đến cũng thiết lập mạng liên kết để khai thác sản phẩm đặc trưng.
Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Lữ hành Chim Cánh Cụt, cho rằng du lịch thành phố cần liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương lân cận, đặc biệt là Đông Nam Bộ và ĐBSCL nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo nét riêng biệt và tăng tính hấp dẫn du khách. Thành phố trong vai trò là cửa ngõ du lịch phải tiếp tục hoàn thiện những dòng sản phẩm có thể tạo được sức hút khách du lịch từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm, thúc đẩy dòng khách 2 chiều.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành du lịch cả nước phấn đấu đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 850.000 tỉ đồng.
Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị ngành du lịch thành phố cần tăng tốc để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu năm 2024, tạo bứt phá, phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, cần đẩy mạnh định hướng xây dựng, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, sản phẩm dịch vụ đặc trưng riêng theo hướng phát huy và khai thác các thế mạnh, bản sắc.
Kết hợp đồng bộ của nhiều ngành
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành du lịch TP HCM năm 2023, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng để thu hút khách đến nhiều hơn trong năm nay, lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn thì ngành du lịch phải vào cuộc quyết liệt, kết hợp đồng bộ của nhiều ngành khác. Ngành du lịch thành phố cần hoàn thiện Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch chung trong chiến lược phát triển kinh tế thành phố.
Kết hợp đồng bộ của nhiều ngành
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành du lịch TP HCM năm 2023, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng để thu hút khách đến nhiều hơn trong năm nay, lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn thì ngành du lịch phải vào cuộc quyết liệt, kết hợp đồng bộ của nhiều ngành khác. Ngành du lịch thành phố cần hoàn thiện Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch chung trong chiến lược phát triển kinh tế thành phố.