Đây là một trong những thực trạng buồn mà du lịch Việt Nam đang vấp phải. Bài toán bảo tồn và phát triển trong kinh doanh du lịch Việt vẫn đang chờ lời giải.
Mỏ tài nguyên thiên nhiên
Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch, với đường bờ biển kéo dài hơn 3.000km, nhiều địa danh nổi tiếng như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình), vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình)…và nhiều khu dự trữ sinh quyển của thế giới: Cát Bà (Hải Phòng), vườn Quốc gia rừng U Minh (Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang)…
Cùng hệ thống các đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu)… thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch thiên nhiên. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng: trên 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử, cùng nhiều di sản văn hóa, danh thắng được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới.
Du lịch Việt Nam nhiều mảng có tiềm năng nhưng chúng ta chưa khai thác, hoặc khai thác chưa chuyên nghiệp. Như hệ thống bảo tàng chẳng hạn, hàng chục năm nay cũng vẫn nằm trong tình trạng nhiều số lượng, nghèo chất lượng, nghèo hiện vật, thiếu các câu chuyện cuốn hút du khách. TS. LƯƠNG HOÀI NAM, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch |
Chính nhờ nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc này, nhiều điểm du lịch của Việt Nam được các tổ chức, hiệp hội, trang web du lịch uy tín thế giới bình chọn với vị trí nhất nhì khu vực và thế giới về độ hấp dẫn, vẻ đẹp tiềm năng và sự thu hút với du khách. Có thể kể đến như tuyến đường Sa Pa nằm trong danh sách 10 con đường mòn tuyệt vời nhất khắp thế giới dành cho du khách thích đi bộ nhẹ nhàng vào ban ngày, do nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet công bố.
Những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp trải dài theo những sườn núi, quanh co theo những cung đường nơi đây, cũng được tạp chí Travel and Leisure của Hoa Kỳ công bố là một trong 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất Châu Á và thế giới…
Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu nhiều vùng tràm chim và sân chim, nhiều khu rừng quốc gia nổi tiếng với những bộ sưu tập phong phú về động thực vật nhiệt đới, như vườn quốc gia Cúc Phương ở Ninh Bình, vườn quốc gia Cát Bà ở Hải Phòng, vườn quốc gia Côn Ðảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu...
Song có một thực tế, theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố gần đây nhất, du lịch Việt Nam xếp vị trí 67/136 quốc gia, tăng tám bậc so với năm 2015 (75/141). Mặc dù bậc xếp hạng có tăng, tuy nhiên các chuyên gia du lịch cho rằng, việc cải thiện thứ hạng này chủ yếu nhờ sự nổi trội về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; bởi năng lực cạnh tranh của du lịch của quốc gia hình chữ S vẫn chưa cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực, nhất là ở các chỉ số được đánh giá rất thấp liên quan vấn đề bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, như mức độ bền vững về môi trường, chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, mức độ ưu tiên cho ngành du lịch…
Khai thác thiếu bền vững
Theo Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Việt Nam thiếu những điểm đến nổi trội, khác biệt để tạo thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Mặc dù các loại hình, sản phẩm du lịch đã được xác định và hình thành, nhưng chưa có sự đầu tư phát triển tập trung để tạo những khu du lịch, điểm du lịch lớn, chất lượng cao.
Khai thác thiếu bền vững
Theo Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Việt Nam thiếu những điểm đến nổi trội, khác biệt để tạo thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Mặc dù các loại hình, sản phẩm du lịch đã được xác định và hình thành, nhưng chưa có sự đầu tư phát triển tập trung để tạo những khu du lịch, điểm du lịch lớn, chất lượng cao.
Bên cạnh việc chú trọng quy hoạch phát triển các khu du lịch bảo đảm tính khoa học, cần tăng cường năng lực quản lý, phân công đầu mối quản lý; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường để sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự gắn kết của gia đình, nhà trường, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, từ đó đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể liên quan để bảo vệ môi trường du lịch. Bà NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch |
Phát triển sản phẩm du lịch nhiều nơi còn mang tính tự phát, chưa thật sự dựa trên nhu cầu thị trường, thiên về số lượng mà chưa quan tâm đúng mức đến chỉ tiêu về chất lượng. Việc khai thác các giá trị tài nguyên du lịch ở một số nơi còn chạy theo việc đáp ứng nhu cầu hiện tại, chưa chú trọng sự bền vững về tự nhiên, xã hội…
Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua lượng khách du lịch ở nước ta luôn duy trì được mức tăng trưởng ở hai con số, cụ thể khách du lịch quốc tế tăng gấp 1,7 lần từ 6 triệu lượt người (năm 2011) lên 10 triệu lượt người (năm 2016); khách du lịch nội địa tăng hơn gấp hai lần từ 30 triệu (năm 2011) lên 62 triệu lượt người (năm 2016).
Riêng trong năm 2017, cả nước đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp không khói này vào GDP của Việt Nam không nhỏ, nhưng đi cùng với đó là những lo ngại về sự đe dọa đến môi trường và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên.
Cùng với sự gia tăng về lượng khách, các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc, nhất là ở các vùng trọng điểm phát triển du lịch, cảnh quan nhiều khu vực bị xâm hại nghiêm trọng.
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng, nhận định phần lớn chất thải rắn phát sinh trong lĩnh vực du lịch chưa được thu gom và xử lý kịp thời theo quy định, nhất là rác thải.
Rác thải từ các khu, điểm du lịch chủ yếu vẫn được chuyển về bãi chôn lấp tập trung, và hầu hết chưa có khu xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn. Nước thải từ các cơ sở du lịch phần lớn chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường, ngoại trừ các cơ sở lưu trú, nhà hàng cao cấp, các cơ sở dịch vụ du lịch còn lại, hoặc chỉ xử lý sơ bộ qua bể lắng, hoặc xả thẳng ra môi trường gây ra tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, việc buông lỏng trong quản lý cũng là nguyên nhân khiến ngành du lịch bị tổn thương, bởi những quy định mang tính “cát cứ” trong khai thác tài nguyên du lịch. Như việc khai thác du lịch trên di sản Vịnh Hạ Long là một ví dụ điển hình. Các nhà tàu đăng ký tại Quảng Ninh vài năm trở lại đây đã không còn được đưa khách sang Cát Bà nữa, bởi tour tuyến mà Ban quản lý Vịnh Hạ Long đưa ra là không khai thác điểm đến này.
Vì thế, chỉ cần phát hiện tàu nào chệch hướng là bị phạt cấm xuất bến nhiều ngày. Đối với tàu đăng ký tại Hải Phòng cũng không được tự do hoạt động đưa du khách sang vịnh Hạ Long do vướng phải rào cản kỹ thuật. Tuy không phải là ngăn sông cấm chợ, nhưng những rào cản vô hình ấy không chỉ ảnh hưởng tới nhu cầu hưởng thụ của du khách, mà còn khiến việc thu lợi từ du lịch bị giảm đi đáng kể.
Hai địa phương là Hải Phòng và Quảng Ninh cũng đã cùng ngồi lại với nhau nhiều cuộc để tìm giải pháp nhưng chưa tìm ra sự hài hòa. Có lẽ cũng chính vì thế mới xảy ra tình trạng nhiều tàu du lịch vùng giáp ranh không bên nào quản lý, để hoạt động trái phép làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Động Phong Nha - Kẻ Bàng.
Chia sẻ về tính liên kết vùng, một điểm yếu chưa thể khắc phục của du lịch Việt, PGS. TS Nguyễn Trung Lương, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch nói: “Liên kết phát triển du lịch là một nguyên lý không thể thiếu trong hoạt động phát triển du lịch. Nhiều hội thảo, hội nghị về liên kết, tour Tây Bắc, tour di sản miền Trung, Đồng bằng Sông Cửu Long…đều bàn về liên kết. Ý tưởng rất hay, nhưng hiện thực không thực hiện được.
Địa phương với địa phương thì ngang nhau, mà cũng không ai coi ai hơn mình, chỉ nghĩ đến lợi ích địa phương mình thôi. Chính những sự phát triển thiếu bền vững, không mang tính định hướng cao và khu biệt vùng miền… là những nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn, giảm chất lượng các dịch vụ du lịch, khiến du khách có ấn tượng không tốt về hình ảnh du lịch Việt Nam”.
Nỗi lo “một đi không trở lại”
Báo cáo của Tổng cục Du Lịch mới đây cho biết, 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam. Đây là con số hết sức đáng buồn nếu so với tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore. Trước đó, Hiệp hội Du lịch châu Á- Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số lượng khách du lịch quay lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và chỉ 13% đến lần thứ ba.
Nỗi lo “một đi không trở lại”
Báo cáo của Tổng cục Du Lịch mới đây cho biết, 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam. Đây là con số hết sức đáng buồn nếu so với tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore. Trước đó, Hiệp hội Du lịch châu Á- Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số lượng khách du lịch quay lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và chỉ 13% đến lần thứ ba.
Nguyên nhân chính khiến du khách không mấy mặn mà với Việt Nam là sự nghèo nàn về sản phẩm cũng như giải trí. Dễ nhân thấy là Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ khai thác tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng hấp dẫn khiến khách phải quay lại. Việc sản phẩm đơn điệu không chỉ không thu hút được khách đến, kéo khách quay lại, mà còn làm giảm chi tiêu của khách khi đến Việt Nam, giảm doanh thu toàn ngành du lịch.
Sự phát triển du lịch về lâu dài phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường, và giá trị nguyên vẹn của các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn. Đặc điểm của môi trường, bản sắc đặc trưng độc đáo về văn hóa và các yếu tố tự nhiên là các yếu tố thu hút chủ yếu đối với du khách.
Vì thế, nhiều chuyên gia về du lịch cũng cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng các chiến lược ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, ngành Du lịch Việt Nam cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường du lịch. Một vòng khép kín của chuỗi sản phẩm du lịch được chăm chút đồng bộ thì khi đó ngành du lịch không khói mới thực sự cất cánh.