PHÓNG VIÊN: - Ông có thể nhận định dự thảo đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN?
LS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA: - Theo quan điểm của tôi, việc đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN là cần thiết. Bởi Luật DN chỉ quy định các chế tài với DN, còn hộ kinh doanh thì không, trong khi thực tế doanh thu của nhiều hộ kinh doanh rất lớn. Về quy định cho hộ kinh doanh, theo luật phải đảm bảo điều kiện có dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa thể quản lý được doanh thu thực sự của các hộ kinh doanh, dẫn tới thất thu thuế không nhỏ.
Đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN, cần xác định rõ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không cần thiết đưa lên DN. Ảnh: LONG THANH
Thực tế trên cho thấy quản lý hộ kinh doanh theo hình thức thuế khoán không mang lại hiệu quả, dễ nảy sinh nhiều bất cập như trốn thuế, về lâu dài không tạo được động lực công bằng, thúc đẩy kinh doanh chung trong nền kinh tế. Đó là chưa kể các hộ kinh doanh không thực hiện quyền cho người lao động khi không mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, khiến người lao động gặp nhiều thiệt thòi.
Điều cần lưu ý, khi đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN, cần xác định rõ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ sử dụng nhân lực trong gia đình, không cần thiết đưa lên DN. Những hộ sử dụng lao động thuê mướn cần khuyến khích, có chế tài đưa lên thành DN. Cũng cần nói thêm, để chống thất thoát thuế phải tăng cường quản lý thuế, vai trò của cán bộ thuế liên phường và hội đồng tư vấn thuế xã, phường…
- Để đưa hộ kinh doanh vào Luật DN, theo ông có cần một chương riêng cho vấn đề này?
- Trước hết, chúng ta cần xác định mục đích của việc đưa ra chương riêng cho hộ kinh doanh trong Luật DN là gì. Có ý kiến cho rằng việc đưa chương riêng nhằm đảm bảo quyền lợi thực sự, xóa bỏ các hạn chế với hộ kinh doanh khi nói về quyền và nghĩa vụ của họ. Theo tôi, nếu hộ kinh doanh muốn có những quyền lợi như vậy họ đã đăng ký lên DN từ lâu, vì việc đăng ký DN hiện nay rất đơn giản và đang được Nhà nước khuyến khích.
- Thực tế, hộ kinh doanh không muốn chuyển thành DN dù được vận động, khuyến khích. Là người tham gia vận động hộ kinh doanh chuyển đổi, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Hộ kinh doanh rất ngán ngại các điều kiện kinh doanh. Việc gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường rất phức tạp khi chuyển lên DN, khi muốn phá sản cũng không đơn giản. Ngoài ra như tôi đã nói, việc duy trì mô hình hộ kinh doanh sẽ giúp họ không phải đóng thuế nhiều. Trong khi đó, việc trốn thuế đang là căn bệnh cơ quan quản lý thuế đang nỗ lực chữa trị. Các vấn đề về hóa đơn, chứng từ cũng khiến hộ kinh doanh ngại lên DN. Suốt 2 năm qua chúng tôi đi vận động hộ kinh doanh, nhưng chỉ được một thời gian DN lại muốn quay về hộ kinh doanh chỉ vì vấn đề hóa đơn, chứng từ. Vì thế chúng ta cần có hệ thống hóa đơn, chứng từ đơn giản.
Nói thêm về luật cho hộ kinh doanh, theo tôi cũng đã đủ, vấn đề là việc áp dụng như thế nào cho phù hợp. Chẳng hạn, theo quy định hiện nay, cơ quan thuế, muốn áp mức thuế cho hộ kinh doanh phải thông qua hội đồng tư vấn thuế xã, phường. Hội đồng này gồm chủ tịch UBND xã, phường, trưởng công an, đại diện mặt trận, đại diện các hộ kinh doanh. Mức thuế cho các hộ kinh doanh cùng ngành nghề gần nhau phải được đăng tải để các hộ tham gia góp ý kiến. Quy định là như vậy, nhưng hiện nay hầu như cán bộ thuế liên phường đưa ra số thu thuế nào cũng được hội đồng tư vấn thuế phường chấp nhận, rồi mức thuế của hộ kinh doanh cũng không được niêm yết.
Luật có thể chưa bao quát hết, nhưng người thực hiện luật phải bao quát. Trước đây có quy định doanh thu bao nhiêu hộ phải chuyển thành DN, nhưng không có kết quả khả quan. Theo tôi, nên quy định hộ có thuê mướn lao động phải có trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, tức phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Như vậy sẽ tạo động lực cho các hộ đó tự nguyện chuyển lên hoạt động theo quy định của Luật DN. Và để làm được việc này phải có chế tài quản lý việc sử dụng lao động nghiêm túc và minh bạch.
- Xin cảm ơn ông.
Vấn đề cốt lõi của cải cách Luật DN lần này chính là những quy định liên quan đến hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Về bản chất họ chính là DN khi chiếm tới 30% GDP cả nước. Trên thế giới, không nước nào bỏ các hộ kinh doanh này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật DN. Vì thế, tại dự thảo luật lần này, phải là cánh cửa mở ra cho 5 triệu hộ kinh doanh chính thức thành DN. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |