Song nhìn chung, ý kiến từ giới chuyên gia giữ nguyên quan điểm cho rằng, tại thời điểm này, việc kéo lãi suất xuống gần bằng 0%/năm là không khả thi. Nếu thực hiện, sẽ tạo ra hiện tượng người dân rút tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh đầu tư khác, gây ra những bất ổn đối với nền kinh tế.
Hệ thống ngân hàng có thể bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, đất đai, "đốt nóng" thị trường tài chính và bất động sản.
Lạm phát Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Năm 2020 là 3,2%, dự báo lạm năm 2021 vào khoảng 3,5-4%. Giả sử chúng ta đưa được lãi suất tiền gửi về 0% trong khi lạm phát như vậy, liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng? Trong khi đó, dòng vốn huy động từ tiền gửi của hệ thống ngân hàng vẫn chiếm tới 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
5 giải pháp gần đưa lãi suất tiền gửi về 0% VAFI đề xuất bao gồm: Áp dụng luật thuế tài sản, ngăn dòng tiền đầu cơ chảy vào bất động sản. Tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp yêu cầu bỏ thuế, phí liên quan giao dịch trái phiếu, yêu cầu các ngân hàng khi phát hành phải bảo đảm cho việc nắm giữ trái phiếu như gửi tiết kiệm. Áp dụng mức thu phí giữ hộ ngoại tệ, vàng.
Kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách, tham khảo chính sách chỉ tiêu ngân sách của Đức. Hệ thống NHNN tiếp tục củng cố theo hướng loại bỏ ngân hàng yếu kém.
Đánh giá về các giải pháp, nhấn mạnh yếu tố là "giải pháp gần" - có nghĩa là trong bối cảnh hiện tại hoặc nay mai, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành AFA Capital cho biết, tiền gửi là một dạng tài sản đầu tư, đứng ở góc độ lý thuyết đầu tư thì người đâu tư có kỳ vọng lợi suất đầu tư gồm: lợi suất phi rủi ro, mức bù lạm phát, phần bù rủi ro.
Xem lại các thông số đó ở thị trường Việt Nam, hiện lợi suất phi rủi ro được nhà đầu tư dựa vào lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm ở Việt Nam là 2,1% cộng với lạm phát 4% coi như tiền gửi không có phần bù rủi ro thì sẽ là 6,1%. Như vậy mức lãi suất này tương ứng với lãi suất tiết kiệm hiện nay.
Ông Tuấn chỉ ra điểm bất cập trong đề xuất VAFI , lãi suất tiền gửi giống như các sản phẩm tài chính trong thị trường, chúng ta không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính để chuyển nó về 0% để nguồn đó nó chảy ra các sản phẩm tài chính khác. Trong trường hợp đề xuất của VAFI khi họ đề ra giải pháp chặn tiền gửi chảy vào bất động sản, ngân hàng, dường như họ muốn đẩy dòng tiền này vào thị trường cổ phiếu.
Từ đó, ông Tuấn cho rằng các đề xuất của VAFI đang yếu, thiếu kiến thức chung. Tổng kết lại, câu chuyện phải cân giữa lãi suất, lạm phát, các chính sách tiền tệ và đương nhiên điều kiện của Việt Nam là một nước đang phát triển sẽ khác các nước phát triển.
“Việc đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% sẽ khiến người dân rút hết tiền ra từ ngân hàng để đầu tư vào các loại tài sản khác, nhiều rủi ro hơn từ đó gây ra những hậu quả khó lường”, CEO AFA Capital cho biết.
Bên cạnh đó, về tỷ giá của VND, hiện đang cao hơn đồng USD nhưng nếu trường hợp VND mất giá điều gì sẽ xảy ra?
Nguyên lý về cân bằng lãi suất, khi lãi suất của đồng tiền sụt giảm thì giá trị của đồng tiền cũng sụt giảm theo. Điều này vô tình khiến VND giảm giá, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam, thậm chí dẫn đến tình trạng USD hóa, người dân sẽ tích trữ USD. Hơn thế, Việt Nam tuy đã được tháo mác "thao túng tiền tệ" nhưng rủi ro vẫn luôn còn đó.
Như vậy câu chuyện lãi suất tiết kiệm không chỉ đơn thuần chặn nó chảy vào các sản phẩm tài chính, nó còn ảnh hưởng đến GDP và các biến số vĩ mô khác.
Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Hãng tư vấn AFA Research & Education, chỉ ra những hệ lụy cụ thể từ đề xuất của VAFI, nếu thực sự được áp dụng:
Thứ nhất, nếu lãi suất về 0%, các ngân hàng sẽ ảnh hưởng đầu tiên. 43% toàn thị trường chứng khoán là từ ngân hàng do đó nếu ngân hàng sập thì sẽ kéo cả thị trường chứng khoán sập theo.
Thứ hai, lạm phát cao với đồng tiền mất giá - đây là "kẻ thù" của TTCK. Khi đồng tiền VND mất giá thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam, bởi tiền họ đầu tư và lợi nhuận nhận được trên thị trường là đồng VND chứ không phải USD. Do đó, họ sẽ rút khỏi thị trường để cân bằng lợi tức. Điều này đi ngược với một trong những mục tiêu chiến lược, thu hút nguồn vốn và hội nhập quốc tế của thị trường vốn Việt Nam.
Thứ ba, lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập người dân, dẫn đến chi tiêu kém và doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ kém. Nó trực tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội.