Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử liệu có hiệu quả?

(ĐTTCO) - Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP viết tắt của cụm từ “One Commune One Product” được hiểu là “Mỗi xã một sản phẩm” liên tục được đưa lên kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây được xem là bước đi tất yếu để mở rộng thị trường mới và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng. Thế nhưng hiệu quả thực sự của hành trình đưa sản phẩm OCOP lên sàn vẫn cần được bàn lại.

Nô nức lên sàn

Ngày 14-8, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp TPHCM và Công ty TNHH Tiki (sàn TMĐT Tiki), đã ký kết hợp tác xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”. Hợp tác này hướng đến mục tiêu tạo môi trường, cơ chế, hệ thống, công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, chủ thể OCOP tại TPHCM và các tỉnh/thành có liên kết với TP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua sàn TMĐT.

Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng của Tiki, cho biết trước mắt chương trình sẽ ưu tiên sản phẩm OCOP 4-5 sao của TPHCM và các tỉnh/thành, tạo gian hàng OCOP tỉnh/thành trên Tiki. Mỗi tỉnh/thành có 50-100 sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc.

Theo kế hoạch, Tiki sẽ tập trung xây dựng các chương trình quảng bá, tiếp thị những sản phẩm OCOP. Việc quảng bá sẽ thực hiện bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng của từng sản phẩm văn hóa tại mỗi địa phương, qua đó giúp đưa các sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng hơn, cải thiện doanh số bán hàng trên sàn TMĐT nói riêng và trên thị trường nói chung.

Theo đó, để khách hàng quan tâm đến sản phẩm địa phương, bên cạnh chất lượng sản phẩm phải mang tính địa phương đó. Bởi lẽ, sau mỗi sản phẩm là câu chuyện văn hóa, con người và vùng đất. Đó sẽ là điểm nhận diện của sản phẩm địa phương so với hàng trăm, hàng ngàn món hàng khác

Trước đó hồi giữa tháng 4, tại TPHCM Tập đoàn Đại Gia Phú phối hợp cùng Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương, tổ chức ra mắt dự án "Đặc sản quê hương", gồm chuỗi cửa hàng OCOP247.vn và trang TMĐT OCOP247.vn. Đây là sàn TMĐT dành riêng cho sản phẩm OCOP. Được biết, trên sàn OCOP247.vn có nhiều sản phẩm OCOP mới, nhiều sản phẩm lần đầu bán qua TMĐT. Đáng chú ý, sàn miễn phí thuê gian hàng 6 tháng để thu hút các chủ thể tham gia.

Thực tế khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh hoạt động đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT, như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart… Gần đây nhất, một tân binh trong mảng TMĐT là TikTok, cũng cho biết sẽ hỗ trợ các sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng trên nền tảng của mình.

Cụ thể, TikTok phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) phát triển chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của Chính phủ. Trong khuôn khổ hợp tác này, TikTok sẽ cho ra mắt chuỗi sự kiện chợ phiên OCOP. Theo đó, hàng tuần, trên TikTok Shop các sự kiện sẽ được phát sóng trực tiếp (livestream), quảng bá và bán hàng trực tuyến các sản phẩm, đặc sản vùng miền do các DNNVV địa phương sản xuất.

Chia sẻ tại buổi ký hợp tác “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, cho biết với tiềm năng về nông nghiệp cùng tài nguyên bản địa, trong thời gian qua sản phẩm OCOP của Đồng Tháp phát triển mạnh nhất vùng ĐBSCL.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm OCOP, đứng thứ 3 cả nước về số lượng (sau Hà Nội và Quảng Ninh). Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, trên 100 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao và có 4 sản phẩm OCOP du lịch. Đặc biệt, sản phẩm OCOP của Đồng Tháp có tỷ lệ kinh doanh trên TMĐT đạt hơn 75%.

Đừng để thành phong trào

Nói về hiệu quả của việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn, bà Võ Phương Thủy cho biết doanh số bán hàng của các sản phẩm OCOP trên các sàn TMĐT chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực của DN. Hiện các chủ thể OCOP của Đồng Tháp phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ.

“Đa số sản phẩm OCOP là khởi nghiệp. Ông chủ các DN này lên ý tưởng sản xuất từ tài nguyên bản địa của mình, đồng thời làm công tác marketing, rồi cả bao bì và đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng rất hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin” - bà Võ Phương Thủy chia sẻ.

Từ góc nhìn của DN, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, với sản phẩm cà phê nông sản Meetmore được chứng nhận OCOP 4 sao, chia sẻ hầu hết sản phẩm OCOP khi lên các sàn TMĐT cũng như các sản phẩm bình thường khác, chưa được phân loại riêng.

Trong khi đó, người tiêu dùng chưa biết nhiều thông tin về các sản phẩm OCOP nên họ cũng không ưu tiên lựa chọn trong giỏ hàng. Đặc biệt nhiều chủ thể OCOP nhỏ và manh mún, chưa có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, kinh doanh trên các nền tảng số, nên hiệu quả chưa được như mong đợi. “Không phải chủ thể OCOP nào cũng có thể trở thành DN, có bộ phận riêng, có kinh nghiệm phân phối hàng hóa” - ông Luận nhấn mạnh.

Thực tế, khi dạo quanh các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki, Lazada… dễ dàng nhận thấy các sản phẩm OCOP cũng giống những sản phẩm thông thường khác. Tại phần danh mục sản phẩm không có cột dành cho sản phẩm OCOP, người tiêu dùng muốn mua phải tìm kiếm chữ “sản phẩm OCOP” các sản phẩm mới hiện ra.

Riêng tại Postmart, trong danh mục ngành hàng có mục sản phẩm OCOP, nhưng xét về mức độ nhận diện trên thị trường TMĐT Postmart chưa thể so với các tên tuổi lớn. Nói về việc này, ông Nguyễn Quách Nhi đánh giá hiện nay mức độ phổ biến và tìm kiếm của người tiêu dùng với sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm OCOP 3 sao chưa cao, kênh phân phối ít, giá bán và hiệu quả chưa được như kỳ vọng.

Một số ý kiến cho rằng, việc phát triển sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương là làm sao đưa thật nhiều sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT để lấy thành tích, không khéo lại thành phong trào. Đã đến lúc cần chậm lại, hỗ trợ các chủ thể OCOP hiểu rõ sản phẩm của mình, hiểu rõ các chứng nhận 3, 4, 5 sao cho sản phẩm. Từ đó hỗ trợ họ từng bước trong quá trình xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm ra thị trường trên nhiều kênh phân phối, trong đó có TMĐT.

Không thể phủ nhận việc có những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã đi tới nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng con số vẫn còn rất khiêm tốn.

OCOP là tên viết tắt của cụm từ “One Commune One Product” được hiểu là “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện cả nước có 9.167 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 65% là sản phẩm OCOP 3 sao, 33% sản phẩm 4 sao và 2% 5 sao.

Các tin khác