Cơ hội “đập ra xây lại”
Khoảng 6 tháng trước, Bitcoin và một số tài sản kỹ thuật số đã đạt mức cao nhất mọi thời đại và nền kinh tế tiền điện tử đạt giá trị trên 3.000 tỷ USD. Nhưng đến ngày 26-5, hầu hết loại tiền điện tử giảm từ 57% đến hơn 80% so với mức đỉnh của chúng. Cụ thể, nền kinh tế tiền điện tử có giá trị thấp hơn khoảng 56% ở mức 1.310 tỷ USD.
Đồng tiền ảo mạnh nhất là Bitcoin (BTC) từ mức 69.000USD/coin, nay giảm hơn 57%. Tiền ảo thứ hai, ethereum (ETH) mất 59,85% sau khi đạt 4.847,57USD/ether. Tài sản tiền điện tử lớn thứ tư BNB giảm 52,65% sau khi chạm 689USD mỗi đơn vị. Đồng XRP thậm chí giảm hơn 87% giá trị so với mức đỉnh.
Đồng Cardano (ADA) đạt mức cao vào 9 tháng trước 3,1USD, nay giảm 83,5%; đồng Solana (SOL) chạm mức cao cách đây 7 tháng, nay giảm 81,5% về giá trị. Tài sản tiền điện tử lớn thứ 10 hiện nay, dogecoin (DOGE) giảm 88,8% so với mức cao của nó 1 năm trước.
Tại Diễn đàn Davos, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, cho biết: "Bitcoin có thể được gọi là một đồng xu nhưng nó không phải là tiền. Nó không phải là kho lưu trữ giá trị ổn định do không được hỗ trợ bởi tài sản thực". François Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, cũng tán đồng ý kiến này: "Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán đáng tin cậy, vì nó không được đảm bảo giá trị bởi ai đó và không được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu”.
Quyền Giám đốc Cơ quan Kiểm soát tiền tệ Bộ Ngân khố Mỹ (OCC), ông Michael Hsu, cho rằng sự sụp đổ của stablecoin TerraUSD và thị trường tiền ảo gần đây là lời cảnh tỉnh và cơ hội để thiết lập, hiệu chỉnh lại các vấn đề ngành công nghiệp đang cố gắng giải quyết. Tuy nhiên, Giám đốc IMF Georgieva vẫn giữ quan điểm rằng, không phải tất cả tài sản ảo đều tiềm ẩn những rủi ro như nhau và không thể bị từ bỏ hoàn toàn.
Cần phối hợp toàn cầu
Cho đến nay, có 18.142 loại xu tiền điện tử, 460 sàn giao dịch tiền điện tử và vốn hóa thị trường này khoảng trên dưới 1.300 tỷ USD. Cứ sau 24 giờ, có 91 tỷ USD tiền điện tử được giao dịch, hầu hết trong số đó là Bitcoin hoặc Ethereum. Khi hệ thống tài chính truyền thống kết nối với hệ sinh thái tiền điện tử ngày càng phát triển, mối quan hệ liên kết ngày càng tăng, làm gia tăng lo ngại về tác động lan tỏa có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.
Đầu năm nay, IMF đã công bố dữ liệu chỉ ra mối tương quan giữa Bitcoin và chỉ số chứng khoán S&P 500. Tuy nhiên, với nhiều lỗ hổng dữ liệu tồn tại liên quan đến tài sản tiền điện tử, việc đánh giá tác động kinh tế vĩ mô toàn diện vẫn còn xa tầm tay.
Hơn nữa, bản chất công nghệ cơ bản của tiền điện tử là cho phép các giao dịch xuyên biên giới không cần bất kỳ trung gian tài chính hiện có nào. Các ứng dụng và mô hình mới như mã hóa, tài chính phi tập trung, NFT (mã thông báo không thể thay thế) và các tổ chức tự trị phi tập trung thách thức các mô hình truyền thống.
Điều này có nguy cơ dẫn đến xung đột trực tiếp với các quy định hiện hành liên quan đến luồng dữ liệu xuyên biên giới, quyền sở hữu trí tuệ và kiểm soát vốn. Nó cũng có thể dẫn đến sự mơ hồ trong môi trường thuế, cũng như đặt ra nhiều lo ngại khác về chính sách.
Theo Hội đồng Tương lai Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về tiền điện tử, hiện không có quy định phối hợp quốc tế nào về tiền điện tử, dù các tổ chức quốc tế đã và đang làm việc để đánh giá rủi ro và phản ứng chính sách thích hợp đối với sự gia tăng của tiền điện tử. Trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý đã để mắt đến xu hướng ngày càng tăng này.
Mặc dù họ có chung mục tiêu - ổn định hệ thống tiền tệ, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế - các quốc gia từ Trung Quốc đến El Salvador đã bắt đầu cân nhắc và thực hiện các lựa chọn điều tiết khác nhau.
Đối với các quốc gia đó, các mục tiêu của họ dường như rất phù hợp: bảo vệ người tiêu dùng, ngăn chặn tài chính bất hợp pháp, bảo vệ tính toàn vẹn của thị trường và thúc đẩy đổi mới. Tuy nhiên, cách tiếp cận của họ khác nhau. Trong khi một số khu vực pháp lý, chẳng hạn như Ấn Độ, đã sửa đổi các luật hiện hành, những khu vực khác, như Liechtenstein, đã đề xuất các mô hình riêng. Một cách tiếp cận khác, dường như được Liên minh châu Âu và UAE ưa thích: đề xuất thiết lập các cơ quan quản lý hoàn toàn mới để đối phó với ngành một cách toàn diện.
Những khác biệt về lãnh thổ này, trong khi mang lại cơ hội kinh doanh chênh lệch giá theo thẩm quyền, tạo ra sự không chắc chắn và tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do không có các tiêu chuẩn và thuật ngữ chung. Để có cách tiếp cận được phối hợp toàn cầu thực sự, các quốc gia và tổ chức quốc tế phải làm việc cùng nhau, tận dụng các phương pháp hay nhất và học hỏi lẫn nhau, cùng đánh giá rủi ro và thiết lập các tiêu chuẩn chung...
Một cách tiếp cận được phối hợp toàn cầu, bao gồm hợp tác quốc tế xung quanh quy định đối với tài sản tiền điện tử, sẽ tối ưu về mặt kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn việc lạm dụng tiền điện tử cho các hoạt động bất hợp pháp. Hiệp hội Quản trị tiền tệ kỹ thuật số của WEF, bao gồm hơn 80 tổ chức và đại diện cho các khu vực địa lý khác nhau, đang làm việc để đạt được mục tiêu này.
Hiện hiệp hội đang tập trung kiểm tra các tác động kinh tế vĩ mô của các loại tiền kỹ thuật số và cung cấp các phương pháp quản lý, trong khi các bên liên quan tiếp tục thử nghiệm chúng đối với quản lý tiền điện tử, stablecoin và tiền tệ do các ngân hàng trung ương phát hành.
Sự bùng nổ của các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin là 1 trong 3 lĩnh vực các nhà chức trách hiện đang tập trung giải quyết, cùng với Covid và biến đổi khí hậu. ASHLEY ALDER, Chủ tịch Tổ chức Ủy ban Chứng khoán Quốc tế (IOSCO) |