Chuyển đổi số là việc khá phức tạp. Theo thống kê của McKinsey và Forbes, thế giới hiện có khoảng 70-84% dự án không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu. Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), với hơn 400 DN tại Việt Nam vào năm 2020, thiếu nhân lực để thực hiện chuyển đổi số là 1 trong 5 rào cản của DN, nhất là DNNVV trong chuyển đổi số.
Với tình trạng kỹ năng số kém của người lao động Việt Nam, thì việc chuyển đổi số càng khó khăn gấp bội. Thí dụ, chuyển đổi số kiểu Việt Nam gần giống như như người nông dân mua điện thoại iPhone chỉ để nghe gọi và nhắn tin, không sử dụng được các chức năng tiên tiến nào của chiếc điện thoại thông minh và hệ sinh thái của nó. Chính vì thế, việc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cả DN, nếu muốn có lực lượng nhân lực đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh mới. Cụ thể là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan như Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong việc đưa ra khung chương trình về kỹ năng số.
Một sáng kiến khá hay của Singapore là xây dựng khung kỹ năng, cấu phần chính của “Bản đồ chuyển đổi công nghiệp” để cung cấp thông tin về lộ trình nghề nghiệp, các kỹ năng mới cần thiết và danh sách các chương trình đào tạo nâng cấp kỹ năng. Chẳng hạn, khung kỹ năng ngành năng lượng cung cấp các thông tin về việc làm và kỹ năng cũng như tương lai của ngành này, như cơ hội việc làm, lộ trình nghề nghiệp, triển vọng việc làm, các kỹ năng mới và hiện thời... Người lao động sử dụng khung kỹ năng để xác định các kỹ năng cần phát triển mới, hoặc trau dồi ở những ngành công nghiệp hiện tại, hay ở các ngành công nghiệp mới họ muốn tham gia.
Các DN sử dụng khung để xác định các việc làm mới, trang bị các kỹ năng phù hợp cho người lao động khi chuyển đổi số. Các tổ chức giáo dục và đào tạo sử dụng để thiết kế và cung cấp các chương trình và khóa đào tạo phù hợp. Skillsfuture Singapore, một tổ chức của chính phủ Singapore, đề xuất sáng kiến này đã giới thiệu khung cơ bản gồm 16 kỹ năng mà công dân thời đại 4.0 cần nắm để có thể điều hướng trong thế giới công nghệ thay đổi theo hàm mũ.
Nâng cấp kỹ năng số bằng cách tăng cường giáo dục và đào tạo kỹ năng số ở các cấp, đặc biệt thông qua hệ thống các trường kỹ thuật và dạy nghề, đang trở thành cấp thiết. Ngân hàng thế giới cũng khuyến nghị cải cách nền móng hệ thống đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, bao gồm mô hình hoạt động (cấp vốn dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, đối tác công-tư), thiết kế chương trình học (ngành khoa học và phân tích dữ liệu), kết nối hiệu quả với giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng, đại học.
Mới đây, theo khảo sát của Cisco với các DNNVV khu vực châu Á-Thái Bình Dương, DN Việt Nam ở mức lãnh đạm số (thụ động và quy trình thủ công). Một phần do DN không biết bắt đầu từ đâu. Nhiều người cũng nghĩ đơn giản là mua công nghệ rồi cài đặt là DN có thể sử dụng. Chuyển đổi số không dễ như cài Zalo, nó cần có tầm nhìn, quyết tâm ở tầm lãnh đạo DN. Như thế lại quay về trình độ, văn hóa của người lao động và người sử dụng lao động, trong khi cả 2 đều đang đội sổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chúng ta hy vọng vào tương lai tươi sáng của Việt Nam. Nhưng cần biết mình đang ở đâu để không quá ảo tưởng. Tôi cũng không thích thuật ngữ “đi tắt, đón đầu” vì những thứ tốt đẹp và bền vững đều cần quá trình bền bỉ, thận trọng và kiên nhẫn.