Đừng chủ quan bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên

(ĐTTCO) - Liệt dây thần kinh VII ngoại biên, hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ nửa mặt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ 15-60 tuổi, tỷ lệ nam nữ là như nhau.
Nguyên nhân và biểu hiện
Những nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh VII ngoại biên, bao gồm  nguyên phát (liệt Bell) là nguyên nhân thường gặp nhất, tỷ lệ mắc phải 11-40/100.000 người, với nguy cơ suốt đời cứ 60 người thì có 1 người bị bệnh. Do phẫu thuật vùng hàm mặt, xương chũm. Nhiễm trùng: Nhiễm Herpesvirus (type 1), Herpes zoster (hội chứng Ramsay Hunt, zona tai), Viêm tai giữa hoặc viêm tai xương chũm… Chấn thương đầu: vỡ nền sọ, tổn thương xương đá. Bệnh lý thần kinh: Hội chứng Guillain-Barré, bệnh một dây thần kinh do đái tháo đường… Các khối u ở hố sau, u tuyến mang tai.
Những biểu hiện liệt dây thần kinh VII ngoại biên cần chú ý, bệnh thường khởi phát đột ngột, bệnh nhân cảm giác nửa bên mặt đơ, cứng, không vận động được. Bên mặt bị bệnh có các biểu hiện như: mắt nhắm không kín, khi cười miệng méo sang bên đối diện, không làm được các động tác như phồng má, chu môi, huýt sáo, mất nếp nhăn trán, mờ rãnh mũi má… một số trường hợp có cảm giác tê bì nửa bên mặt bệnh.
Đừng chủ quan bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên ảnh 1 BS.CK1 Thái Bảo Cường, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có thể có thêm các biểu hiện như sốt, đau tai, chảy mủ tai trong các trường hợp viêm tai xương chũm, viêm tai giữa. Có mụn nước ở tai kèm đau tai trong hội chứng Ramsay Hunt, tuyến mang tai sưng to khi có u tuyến mang tai… Trong các trường hợp nặng, người bệnh mất vị giác nên cảm giác ăn kém ngon miệng do không nhận biết mùi vị thức ăn, cảm giác chát tai khi nghe các âm thanh lớn.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên gây ra một số ảnh hưởng cho người bệnh như trong giai đoạn đầu của bệnh, do mắt nhắm không kín nên dễ bị tổn thương kết mạc, giác mạc. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, nếu không điều trị thích hợp sau này dễ dẫn đến vấn đề về thẩm mỹ gương mặt như: mất cân xứng khuôn mặt, hay xuất hiện hiện tượng co giật cơ nửa bên mặt.
Xét nghiệm và điều trị
Thông thường nguyên nhân của liệt dây thần kinh VII ngoại biên là nguyên phát, nên các xét nghiệm chẩn đoán là không cần thiết. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có các biểu hiện của liệt dây thần kinh VII ngoại biên do các nguyên nhân khác thì bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng phù hợp với từng bệnh như: bệnh nhân có biểu hiện viêm tai xương chũm, viêm tai giữa thì cần nội soi tai, chụp XQ tư thế Schuller… chấn thương đầu có thể cần chụp CT sọ não, Hội chứng Guillain-Barré có thể đo điện cơ, chọc dò dịch não tủy…
Khi phát hiện bệnh thì bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị. Đầu tiên cần xác định được nguyên nhân của bệnh. Tùy theo nguyên nhân bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Thay đổi thói quen sinh hoạt: do mắt nhắm không kín nên cần phải mang kính bảo hộ mắt khi ra ngoài, nhỏ nước muối sinh lý hay nước mắt nhân tạo ở bên mắt nhắm không kín, khi ngủ lấy khăn che mắt, hay ngủ mùng. Nếu nguyên nhân bệnh là do lạnh cần tránh nơi lạnh, gió quạt.
Y học cổ truyền: thuốc đông y, châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm… Tập vật lý trị liệu sẽ giúp phục hồi cơ mặt nhanh hơn. Sử dụng các thuốc viêm Steroid (Prednisolone) và kháng virus ( Acyclovir) được khuyến cáo sử dụng trên bệnh nhân liệt VII ngoại biên nguyên phát trong những ngày đầu. Bên cạnh đó bác sĩ sử dụng thêm các thuốc bổ thần kinh như: Nucleo CMP forte, Mecobalamine…
Đối với các trường hợp bệnh có nguyên nhân thứ phát: viêm tai xương chũm, viêm tai giữa, u tuyến mang tai thì cần phối hợp điều trị với bác sĩ tai mũi họng, Hội chứng Guillain-Barré cần phối hợp điều trị bác sĩ nội thần kinh, chấn thương đầu cần phối hợp điều trị bác sĩ ngoại thần kinh…

Tiên lượng và dự phòng
Đa số bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn nếu điều trị đúng và tích cực trong giai đoạn đầu của bệnh, một số ít sẽ phục hồi kém và để lại di chứng như mất cân đối khuôn mặt, chảy nước mắt khi ăn uống, một bên mắt nhắm không kín, xệ lông mày, chảy nước dãi, co thắt cơ nửa mặt. Những yếu tố gợi ý phục hồi kém của bệnh: Liệt hoàn toàn hoặc thoái hóa nặng, không thấy có dấu hiệu hồi phục sau 3 tuần điều trị tích cực, người trên 60 tuổi, hội chứng Ramsay Hunt, người có bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc phụ nữ đang mang thai.
Để dự phòng bệnh sẽ có một số lưu ý như sau. Nguyên nhân liệt VII ngoại biên thường nguyên phát do lạnh, nên khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa sang lạnh chúng ta cần giữ ấm vùng mặt, hạn chế cho vùng mặt tiếp xúc với lạnh. Bên cạnh đó là nguyên nhân thứ phát như viêm tai xương chũm, viêm tai giữa, zona tai, chấn thương vùng đầu… cần tuân thủ điều trị theo bác sĩ chuyên khoa. 



Các tin khác