Bệnh làm hạn chế tầm vận động khớp vai, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Các dấu hiệu bất thường và cách xử lý
Các yếu tố thúc đẩy viêm chu vai có thể kể đến như: Các tổn thương khớp vai không được điều trị đúng cách; các cử động kéo dãn vùng vai quá mức; sử dụng khớp vai ở một vị trí nhất định trong thời gian dài; môi trường lạnh và ẩm; có tiền sử chấn thương khớp vai. Các đối tượng có nguy cơ cao bị viêm chu vai bao gồm người làm việc văn phòng, sử dụng máy vi tính nhiều, tập gym, yoga không đúng phương pháp, làm việc nặng sử dụng khớp vai chủ lực, bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não...
Các dấu hiệu bất thường của khớp vai cần được quan tâm như đau đột ngột hoặc âm ỉ tại khớp vai khi thực hiện các cử động đơn giản như chải đầu, cài nút áo, đưa tay ra sau, dắt xe, khớp vai sưng, nóng. Khi khớp vai có các dấu hiệu nêu trên người bệnh cần lưu ý nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nặng, xách nặng.
Nguyễn Hữu Mạnh,
Cử nhân vật lý trị liệu
Viện Y dược học dân tộc TPHCM
Cử nhân vật lý trị liệu
Viện Y dược học dân tộc TPHCM
Bên cạnh đó, nếu có các biểu hiện đau đột ngột dữ dội, đau tại khớp vai kèm sốt, đau âm ỉ khi thực hiện các cử động trên 1 tuần, các chức năng sinh hoạt hàng ngày của khớp vai gặp khó khăn… người bệnh không nên chủ quan tự điều trị tại nhà mà nên đến các chuyên khoa, các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất với từng giai đoạn bệnh không để bệnh diễn tiến nặng gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và cả việc điều trị sau này vì trong trường hợp bệnh nặng sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị
Tùy vào thể trạng và giai đoạn bệnh của mỗi bệnh nhân, phương pháp điều trị bệnh viêm chu vai cũng khác nhau. Song hành với các biện pháp nghỉ ngơi, hạn chế xách nặng, làm việc nặng còn cần phối hợp với các biện pháp điều trị khác. Trong đó, sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm uống hoặc tiêm thường có hiệu quả giảm đau nhanh, nhưng cần thận trọng với người lớn tuổi khi dùng dài ngày, thường gây khó chịu và đau dạ dày. Các thuốc khu phong thấp, hoạt huyết của y học cổ truyền thường hiệu quả chậm hơn nhưng duy trì tác dụng lâu dài và hạn chế được tác dụng phụ ở dạ dày.
Các phương pháp không dùng thuốc thường được người bệnh lựa chọn khi đến điều trị tại Viện Y dược học dân tộc cũng đạt hiệu quả rất tốt, như xoa bóp day ấn huyệt, châm cứu, cấy chỉ… Ngoài ra có thể dùng vật lý trị liệu điều trị bằng siêu âm, điều trị bằng sóng ngắn, điều trị bằng tia hồng ngoại, kỹ thuật điện phân giảm đau… Trong trường hợp khớp vai đau kết hợp hạn chế vận động, thường phải phối hợp với các kỹ thuật vận động trị liệu như tập vận động có trợ giúp vùng vai và khớp vai, tập với ròng rọc, tập với thang tường, tập với khung quay khớp vai, hoạt động trị liệu cho khớp vai. Có thể thấy vật lý trị liệu là biện pháp điều trị bảo tồn hiệu quả trong việc cải thiện tầm hoạt động khớp vai. Riêng với các trường hợp nặng có thể phải can thiệp phẫu thuật rất tốn kém và cần thời gian hồi phục dài.
Để phòng bệnh viêm chu vai, mọi người cần lưu ý một số điều trước khi chơi thể thao cơ thể cần được khởi động kỹ và đều. Khi có dấu hiệu đau nhiều tại khớp vai sau khi tập cần nghỉ ngơi và xem lại chương trình tập của mình có thích hợp hay không. Tự kiểm tra các chức năng sinh hoạt hàng ngày của khớp vai (đưa tay chải đầu, phơi đồ, cài nút áo…) có khó khăn hay không. Đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện để được khám và điều trị khi có các dấu hiệu bất thường của khớp vai như được nói ở trên.