Đừng để năng suất lao động mãi 'dậm chân tại chỗ'

(ĐTTCO) - Hồi đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã công bố báo cáo "Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp".
Đừng để năng suất lao động mãi 'dậm chân tại chỗ'

Trong giai đoạn này, tốc độ tăng NSLĐ bình quân mỗi năm đạt 5,29%; năm 2020 NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động, gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng). Theo giá hiện hành, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2011 chỉ đạt 29.000 đồng/giờ, đến năm 2020 đã đạt 67.600 đồng/giờ.

So sánh với các nước, tính theo sức mua tương đương năm 2017 (PPP 2017) của Ngân hàng Thế giới (WB), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều nước trong khu vực như Malaysia (1,3%/năm), Singapore (1,7%/năm), Thái Lan (2,2%/năm).

Nhờ vậy, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu như năm 2011, NSLĐ của Singapore gấp 12,4 lần NSLĐ của Việt Nam, của Malaysia gấp 4,3 lần…Đến năm 2020, khoảng cách này giảm xuống đáng kể: của Singapore còn gấp 8,8 lần, của Malaysia còn gấp 3 lần.

Dẫu vậy, cho đến nay mức NSLĐ của nước ta hiện vẫn thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18.400 USD, chỉ bằng 11,3% của Singapore; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 77% của Indonesia; 86,5% của Philippines… Trong khu vực, NSLĐ của nước ta chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (gấp 1,6 lần) và Lào (gấp 1,2 lần).

Một số ý kiến nói rằng, nếu Việt Nam không có những giải pháp cải thiện NSLĐ một cách hữu hiệu, khoảng cách giữa nước ta với các nước nhóm cao hơn có thể sẽ tiếp tục xa hơn và bị các nước nhóm thấp hơn đuổi kịp.

Từ thực tế đó, nhất là gắn với bối cảnh chuyển đổi số, không ngừng áp dụng khoa học công nghệ, vấn đề tăng NSLĐ ở nước ta là yếu tố quan trọng để giảm giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, từ đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, cả ở cấp độ đơn vị, doanh nghiệp lẫn cấp độ quốc gia.

Tăng NSLĐ hiện nay có thể coi là vấn đề sống còn. Bởi NSLĐ được tăng cao, không chỉ giải quyết được vấn đề lợi nhuận, sự tồn tại của bản thân các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, còn nâng cao được thu nhập của người lao động, hiệu quả làm việc, phát huy được năng lực đặc thù và khả năng sáng tạo của họ. Đồng thời, tăng NSLĐ chính là tiết kiệm về con người và thời gian, tức với cùng số lượng người làm việc và trong cùng thời gian, nơi nào tổ chức tốt và có NSLĐ cao hơn hiệu quả sẽ lớn hơn.

Vì vậy, ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, điện năng… là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, ở góc độ căn cơ và lâu dài hơn, cần tiết kiệm con người và thời gian, tức là vấn đề tăng NSLĐ. Đó là quan tâm nghiên cứu nâng cao NSLĐ của từng bộ phận trong toàn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Do mỗi bộ phận với đặc thù công việc khác nhau nên việc nghiên cứu NSLĐ không được đánh đồng, từ đó mới xác định được một “định mức” lao động phù hợp cho mỗi bộ phận, mỗi nhóm người lao động, góp phần mang lại hiệu suất lao động cao nhất.

Đó là thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho người lao động. Công tác này nên bắt đầu từ khi tuyển người vào làm việc, có tác dụng tạo ra tâm lý yên tâm, thoải mái, lạc quan trong quá trình làm việc, giảm được tai nạn lao động, giảm những ngày nghỉ không cần thiết và góp phần nâng cao năng suất làm việc.

Chú ý việc tư vấn tâm lý cũng là một cách chăm lo đời sống tâm lý, tinh thần thiết thực cho người lao động, bên cạnh việc chăm lo về vật chất. Đó là định kỳ tổ chức tập huấn cho những người lao động trong cùng hệ thống, cùng nhóm công việc để có thể nắm bắt được những công việc của nhau, khi cần thiết có thể thay thế hoặc luân chuyển dễ dàng, bên cạnh việc để người lao động giao lưu, tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Ngoài ra, cũng cần tập huấn để người lao động làm quen với các phương thức sản xuất mới, thiết bị máy móc mới.

Đó là có sự phối hợp hợp lý giữa những lao động mới vào và người có kinh nghiệm, giữa những lao động có tay nghề cao và người mới học nghề, sao cho vừa đảm bảo đạt hiệu suất lao động cao nhất, vừa kích thích tinh thần làm việc của người lao động, vừa rèn luyện cho những người lao động mới. Quá trình này cần có sự nghiên cứu đầy đủ, xét trên đặc điểm đặc thù của từng bộ phận, từng người lao động cụ thể, không được thực hiện đại khái, qua loa.

Đó là đảm bảo tăng năng suất phải gắn liền với tăng thu nhập cho người lao động. Tăng thu nhập cho người lao động phải luôn là mục tiêu của bất kỳ doanh nghiệp nào, có như vậy mới giữ được nhân công có chất lượng cao. Vì vậy, một khi đặt vấn đề tăng năng suất làm việc là góp phần tăng lợi nhuận (nhất là đối với các doanh nghiệp), càng phải gắn với lợi ích cụ thể của người lao động.

Thu nhập của công nhân phải được tăng theo tỷ lệ hợp lý so với lợi nhuận họ tạo ra được do tăng hiệu quả làm việc, có như vậy mới kích thích công nhân luôn chủ động và nhiệt tình tham gia các phương thức cải tiến NSLĐ.

Đó là tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong lao động, sản xuất, quản lý… Việc sử dụng máy móc, nhất là các thiết bị tiên tiến, có thể phải cắt giảm số lao động. Nhưng đây là cách rất hiệu quả trong việc nâng cao NSLĐ, đồng thời làm gia tăng chất lượng sản phẩm, trong đó có các sản phẩm đòi hỏi sự chính xác.

Bên cạnh đó, việc không ngừng cải tiến phương pháp quản lý, trong đó có sử dụng các ứng dụng, phần mềm, cũng góp phần quan trọng vào giảm các khâu trung gian, tức giảm số người lao động thực tế, đồng nghĩa với tăng NSLĐ.

Tóm lại, tăng NSLĐ phải được thực hiện bằng nhiều cách, có những cách mang tính cụ thể, trước mắt, nhưng cũng có những cách mang tính căn cơ, lâu dài. Cần có sự nghiên cứu thấu đáo để áp dụng đồng thời những cách này, sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Các tin khác