Tăng trưởng GDP sẽ hưởng lợi lớn, nhất là từ lượng khách du lịch Trung Quốc tăng mạnh. Tuy nhiên, cũng không nên kỳ vọng quá lớn.
Đối với xuất nhập khẩu, năm 2022 Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam với 177,7 tỷ USD, tăng 6,8%. Trong đó, nhập khẩu đạt 58,4 tỷ USD tăng 4,5%, xuất khẩu 119,3 tỷ USD tăng 7,9%. Nhưng hai mức này đều thấp hơn mức tăng chung của xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam cả năm 2022.
Do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ có tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, nhưng sẽ không nhiều. Bởi trong năm 2022 - bối cảnh Trung Quốc thực hiện chính sách “zero-Covid”, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng gần 8%. Do vậy mức tăng này có thể tăng thêm 1-2% trong năm 2023, nhưng vẫn còn phụ thuộc vào chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc, do hiện nay số ca nhiễm vẫn đang tăng lên.
Riêng về du lịch quốc tế của Việt Nam, việc Trung Quốc mở cửa sẽ phục hồi tốt hơn khi mà khách Trung Quốc chiếm khoảng 32% lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khách Trung Quốc chi tiêu tại Việt Nam không nhiều (bình quân chỉ bằng một nửa so với khách quốc tế đến từ Mỹ, châu Âu...).
Tính sơ bộ, Trung Quốc mở cửa có thể khiến doanh thu du lịch quốc tế của Việt Nam tăng thêm khoảng 8-10%, với giả thiết là khách Trung Quốc sang Việt Nam phục hồi khoảng 50% so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nói riêng về xuất khẩu thủy sản, đúng là nhiều chuyên gia dự báo không sai, thủy sản được xem là ngành có lợi lớn khi Trung Quốc mở cửa thị trường, và nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khi việc đi lại tại nước này cũng được nới lỏng. Việc Trung Quốc mở cửa cũng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của người dân nước này rất lớn, nhất là những ngành hàng dịch vụ như du lịch, ẩm thực…
Từ đây sẽ kích cầu rất tốt cho các DN chế biến và xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. Do vậy dự báo kim ngạch sẽ còn tăng mạnh. Được biết, hiện nay VASEP đã đặt hàng một số chuyên gia và họ sẽ vào Trung Quốc để có đánh giá và dự báo mặt hàng hàng thủy sản cho thị trường này trong năm 2023.
Một lợi thế nữa cho doanh nghiệp là từ năm 2004, Bộ NN-PTNT đã ký thỏa thuận với phía Trung Quốc về hợp tác kiểm soát an toàn thực phẩm với thủy sản. Hai bên duy trì đăng ký các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản với nhau.
Hiện nay, phía Trung Quốc đã công nhận 802 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, ở chiều ngược lại Việt Nam cũng đã công nhận 780 doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam.
Tuy nhiên, hãy nên nhớ Trung Quốc mở cửa không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều kỳ vọng để nối lại chuỗi sản xuất. Do vậy việc mở cửa của đất nước tỷ dân cũng sẽ khiến nhu cầu xuất nhập khẩu thế giới tăng mạnh, từ đó tác động tới giá cả hàng hóa thế giới và Việt Nam.
Lấy đơn cử như xuất khẩu thủy sản, không chỉ riêng doanh nghiệp Việt Nam mà đây cũng là mục tiêu nhiều quốc gia khác nhắm đến như Ấn Độ, Ecuador cũng như các nước trong khối ASEAN, khi có cùng chung sản phẩm xuất khẩu. Hiện Ấn Độ và Ecuador vẫn đang giữ vị trí số 1 và 2 về xuất khẩu mặt hàng tôm vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, áp lực mặt hàng tôm của Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ hai quốc gia này.
Đối với mặt hàng cá tra, lợi thế và cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lớn hơn, bởi từ trước đến nay mặt hàng cá tra của Việt Nam chỉ phải cạnh tranh với mặt hàng cá rô phi của các doanh nghiệp Trung Quốc, và xu hướng của thị trường Trung Quốc gần đây đang nghiêng về ưa chuộng mặt hàng cá tra của Việt Nam hơn.