Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng, việc này ảnh hưởng lớn đến quá trình khám chữa bệnh.
Kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm. Ảnh: QUANG HUY
Ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh
Hơn 12 giờ trưa 16-5, tại Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), hàng chục kỹ thuật viên của khoa vẫn tất bật với công tác lấy mẫu bệnh phẩm, làm các xét nghiệm cho người bệnh. Chị Nguyễn Lê Thu Trang (29 tuổi, ngụ Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) cho biết, ba chị nhập viện cấp cứu điều trị ngộ độc thuốc ngày 13-5 trong tình trạng nguy kịch, phải đặt máy tạo nhịp, lọc máu, thở máy.
“Từ hôm nhập viện đến nay, ba tôi phải làm rất nhiều xét nghiệm, chi phí mỗi lần từ vài trăm ngàn đồng cho đến hàng triệu đồng. Tôi mới đọc thông tin trên báo, đài nói BHXH ra yêu cầu dừng thanh toán theo chế độ BHYT với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, máy mượn thì rất lo lắng. Nếu BHYT không thanh toán các khoản xét nghiệm thì không biết xoay tiền đâu ra lo cho ba”, chị Trang nói.
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt người dân tới khám chữa bệnh, trong đó có gần 700 lượt bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng. Vì vậy, khi nhận được thông tin BHYT sẽ dừng thanh toán phí xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn, bệnh viện thực sự băn khoăn.
“Trước mắt, chúng tôi vẫn giữ nguyên các quyền lợi xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân có BHYT, dù 80% các xét nghiệm thực hiện trên máy mượn, máy đặt. Nếu sau đó BHXH không thanh toán khoản tiền bệnh viện phải ứng trước, coi như bệnh viện mất trắng vì không truy thu tiền từ người bệnh”, bác sĩ Trần Văn Khanh thông tin.
Trăn trở không kém, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương) cho rằng, nhu cầu trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, đặc biệt xét nghiệm huyết học đến vi sinh, sinh hóa miễn dịch… của đơn vị rất lớn. Ước tính mỗi năm thực hiện đến hàng triệu mẫu tổng phân tích tế bào máu; xét nghiệm nhóm máu. Đây đều là xét nghiệm thiết yếu, chuyên sâu cho thai phụ và đều được cơ quan BHXH thanh toán. Trong khi đó, đa số các thiết bị thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm này đều là máy đặt hoặc mượn. Nếu dừng thanh toán BHYT đối với các dịch vụ này sẽ khiến bệnh viện gặp khó khăn, thậm chí phải dừng nhiều hoạt động khám chữa bệnh liên quan đến xét nghiệm.
Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng, việc BHXH dừng thanh toán chi phí xét nghiệm đối với các máy mượn, máy đặt theo Công văn số 2348 của Bộ Y tế và Công văn số 1261 của BHXH Việt Nam sẽ dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh tạm ngưng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn, đồng nghĩa với việc người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Nếu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm này, nhưng người bệnh phải móc túi chi trả thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT, làm chậm lộ trình BHYT toàn dân.
Thay đổi cần có lộ trình
Bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết, việc mua máy xét nghiệm, chẩn đoán cần đầu tư với số tiền rất lớn từ ngân sách nhà nước, nhưng lại rất dễ xảy ra tình trạng lãng phí máy móc, thiết bị vật tư, hóa chất... Vì thế, cần có lộ trình 6-12 tháng để bệnh viện chuyển hình thức thuê máy theo quy định của Nghị định 151 của Chính phủ và theo phân cấp của Bộ Y tế.
Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, cho rằng, dù là vấn đề gì, đặc biệt là vấn đề liên quan tới người bệnh và bệnh viện công lập thì khi ra quyết định, Bộ Y tế cần có lộ trình cụ thể. Đột xuất ra các quy định “cứng nhắc” thì bệnh viện trở tay không kịp. Trong khi đó, trách nhiệm của bệnh viện là phải cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chuyện cần quan tâm nhất không phải việc dùng máy đặt hay máy mượn, mà ở chuyện minh bạch trong đấu thầu. Do việc đấu thầu diễn ra từng năm, nên khi đơn vị doanh nghiệp nào trúng thầu, bệnh viện sẽ mượn máy xét nghiệm của doanh nghiệp đó.
Kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) phải làm xuyên trưa để kịp có kết luận xét nghiệm cho bệnh nhân (Ảnh chụp trưa 16-5)
Theo ghi nhận, hiện nhiều bệnh viện chọn cách vẫn thực hiện xét nghiệm và chi trả như trước đây để đảm bảo quyền lợi và chất lượng điều trị cho người bệnh, trong khi chờ đợi hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.
Theo PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, hiện bệnh viện cũng đã kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục cho thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt. Trong khi chờ các cơ quan chức năng chính thức có ý kiến, bệnh viện sẽ vẫn cho bệnh nhân hưởng đầy đủ quyền lợi cho bệnh nhân BHYT, không thu phí xét nghiệm. “Thanh toán hay không thanh toán thì các cơ quan nhà nước phải ngồi lại tìm ra giải pháp, chứ không thể vì chuyện này mà bắt bệnh nhân chịu”, PGS-TS Lê Đình Thanh nhìn nhận.
Tuy nhiên, một số bệnh viện chọn cách “tuân thủ” tạm dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật từ máy mượn, máy đặt cho bệnh nhân theo Công văn 2348 của Bộ Y tế và quy định của BHXH từ ngày 14-5.
UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xem xét, chấp thuận tiếp tục thanh toán chi phí xét nghiệm BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm thực hiện từ máy đặt, máy mượn cho đến khi có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền. Nếu như phải dừng thanh toán thì cần phải có lộ trình để các cơ sở khám chữa bệnh có đủ thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết thanh toán dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt tại các cơ sở y tế hiện nay. Theo số liệu khám chữa bệnh BHYT, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5-2022, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố có 9.451 lượt khám chữa bệnh có xét nghiệm, bình quân chi phí xét nghiệm mỗi ngày cho BHYT là hơn 4 tỷ đồng. |