Điều này còn gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp vốn đang rất mệt mỏi với giấy phép con, các đợt thanh kiểm tra và việc can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước.
“Biến tướng” giấy phép con
Theo dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng, tiêu chuẩn siêu thị có 13 điểm, trong đó bao gồm bắt buộc diện tích phải từ 250m2 đến dưới 10.000m2. Riêng tiêu chuẩn đối với trung tâm thương mại (TTTM) từ 10.000m2 trở lên.
Ngoài ra, các siêu thị bắt buộc phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, bưu điện và qua điện thoại. Siêu thị và TTTM phải mở cửa tất cả ngày trong tuần kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu 10-22 giờ mỗi ngày.
Chính phủ đang có chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính nhưng dự thảo nghị định lại đang trói chặt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi Hiến pháp và các luật đều quy định rõ những hoạt động mà người dân và doanh nghiệp được phép thực hiện và không được thực hiện nên không cần phải có những quy định quá chi tiết như vậy. TS. BÙI QUANG TÍN, chuyên gia kinh tế |
Dự thảo cũng quy định các siêu thị mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, mỗi đợt giảm giá phải kéo dài tối thiểu 30 ngày và giữa 2 đợt giảm giá phải cách nhau ít nhất 30 ngày.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, khẳng định: “Bộ Công Thương đang tiên phong trong việc cắt giảm bớt các điều kiện kinh doanh nhưng với dự thảo này bộ lại đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới tạo điều kiện cho giấy phép con trở lại, tạo thêm việc làm cho quản lý thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ khi phải liên tục đón các đoàn thanh kiểm tra”.
Lâu nay giấy phép con vẫn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp. Những chuyện như một thanh socola phải cõng 13 loại giấy phép, hay con số mỗi năm các doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.300 tỷ đồng để đáp ứng các thủ tục quản lý chuyên ngành, cho thấy giấy phép con đang làm hạn chế cạnh tranh và gia tăng chi phí của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
Các điều kiện kinh doanh được coi là công cụ để quản lý hiệu quả những ngành nghề kinh doanh nhất định. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành đã lợi dụng công cụ này để đẻ ra giấy phép con, gây khó dễ cho doanh nghiệp, tạo ra cơ chế xin-cho, phục vụ lợi ích nhóm.
Trước bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sức ép của các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều bộ ngành đã phải thực hiện cắt bỏ nhiều điều kiện kinh doanh. Tiêu biểu là Bộ Công Thương tháng 9 năm ngoái đã quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, tức hơn 55% điều kiện đầu tư kinh doanh được bãi bỏ.
Vào tháng 4 vừa qua Bộ Công Thương tiếp tục một đợt cắt giảm nữa. Song điều nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lo ngại là cắt giảm điều kiện này liệu có mọc thêm điều kiện khác, vì cắt thì khó nhưng đẻ thêm lại rất dễ. Số giấy phép con có thể thu gọn lại, nhưng nếu thời gian cấp phép dài hơn, hay từ một giấy phép con lại đẻ ra thêm vài “giấy phép cháu, chắt”, bộ mặt môi trường kinh doanh cũng không thay đổi so với trước là bao.
Và dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối bán lẻ của Bộ Công Thương được cho mang dáng dấp của việc cho trở lại giấy phép con, dù mới đây đại diện bộ này khẳng định dự thảo không tạo thêm điều kiện kinh doanh, không phát sinh giấy phép con, gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Can thiệp sâu quyền kinh doanh
Không chỉ giấy phép con, việc liên tục bị thanh kiểm tra và can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh cũng đang là nỗi lo thường trực của nhiều doanh nghiệp. Với những quy định của dự thảo như siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ và phải mở cửa tối thiểu từ 10-22 giờ; các siêu thị mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá… dường như đi ngược nguyên tắc thị trường.
Chuyện siêu thị mở cửa giờ nào, đóng giờ nào có bán hàng qua internet, bưu điện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và doanh thu/lợi nhuận mà họ thu về chứ không phải phụ thuộc vào yêu cầu của cơ quan quản lý. Hay như chuyện mỗi năm siêu thị chỉ được khuyến mại 3 lần cũng được xem là xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ nói riêng câu chuyện khuyến mại lâu nay các doanh nghiệp đã bị áp đặt bởi tư duy quản lý kỳ lạ là chỉ được khuyến mại giảm giá không quá 50% giá trị hàng hóa. Dù mới đây Chính phủ ban hành nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-07-2018. Song vẫn còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại, giảm giá) thì được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Hạn mức khuyến mại, giảm giá 100% cũng được áp dụng với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định. Ngoài trường hợp nêu trên, hạn mức khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại.
Việc quy định chi tiết, tham gia quá sâu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tạo ra hàng loạt hệ luỵ phải thực hiện các thủ tục hành chính và sẽ phải triền miên tiếp đón các đoàn thanh kiểm tra từ đó đẻ ra nhiều phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu, cướp đi quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Về việc này, giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Chủ trương nêu trên một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ đề cập tại Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2018. Chỉ thị này nêu rõ, việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.