Đừng vì tăng ngân sách mà tạo nên tác động ngược

(ĐTTCO) - Định hướng tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi sẽ bổ sung quy định về cơ sở tính thuế đối với phương pháp tính thuế tuyệt đối và thuế hỗn hợp, thay cho thuế tương đối đang áp dụng hiện nay.
Đừng vì tăng ngân sách mà tạo nên tác động ngược

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số nội dung, trong đó đối với mặt hàng bia, rượu, có 3 giải pháp chính sách thuế: (1) Giữ như quy định hiện hành; (2) Tăng mức thuế suất Thuế TTĐB đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10%, theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát; (3) Áp dụng Thuế TTĐB hỗn hợp đối với bia (thuế tương đối và thuế tuyệt đối).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần cân nhắc kỹ lộ trình của việc áp Thuế TTĐB đối với bia và rượu, tránh gây ra hiệu ứng ngược.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục, cũng như chưa đánh giá tác động đầy đủ đối với việc mở rộng các đối tượng chịu Thuế TTĐB, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu Thuế TTĐB, ít nhất trong thời gian 2023-2025.

Ở góc độ xây dựng pháp luật, LS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng khi điều chỉnh tăng Thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn, cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu gồm điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) ổn định, bền vững; phải đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.

Hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nên hơn lúc nào hết đây là thời điểm ngành bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước; đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm rượu bia thương hiệu Việt đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới.

LS. Nguyễn Thị Quỳnh đề xuất nên tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỷ lệ như hiện nay, đồng thời cân nhắc lộ trình tăng thuế suất hợp lý dựa trên tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu NSNN ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu rượu bia Việt đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), nêu quan điểm đóng góp cho NSNN của ngành công nghiệp đồ uống trong giai đoạn gần đây tương đối cao và ổn định (50.000-56.800 tỷ đồng/năm). Mức đóng góp như vậy rất đáng khích lệ.

Bởi vậy, nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bia phổ thông thương hiệu Việt, sẽ gián tiếp ảnh hưởng lớn đến thu NSNN cũng như cân đối ngân sách của các địa phương.

Lựa chọn phương pháp tính thuế nào để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo trong xu thế hội nhập thế giới phải tạo ra lợi thế của quốc gia, cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhất là trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu NSNN và chi phí quản lý thuế.

Vì vậy, tiếp tục duy trì phương pháp tính Thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm (thuế tương đối) và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp, có thể xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, giúp đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Các tin khác