Song đây là nhiệm vụ phức tạp, không đơn giản, với đa góc nhìn cùng hàm ý chính sách đáng phải lưu ý.
Thực trạng ngành và thị trường bia rượu Việt Nam
Ngành sản xuất bia rượu tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh trong những thập niên trở lại đây, bao gồm các hãng bia thương hiệu Việt (như bia Hà Nội, Sài Gòn, Vida, Hạ Long, Hương Sơn, Đại Việt…) cùng một số nhà máy sản xuất rượu và công ty bia có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngành bia rượu có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm (tổng số lao động trong ngành bình quân năm giai đoạn 2010-2020 khoảng 80.000 lao động), đóng góp ngân sách nhà nước (chỉ riêng các nhà máy sản xuất bia hàng năm đóng góp 50.000-56.000 tỷ đồng) và hiệu ứng lan tỏa tích cực với nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng (nông nghiệp, logistics và kho vận, sinh hóa, bao bì…).
Thị trường bia rượu trong nước, nhất là bia, có 3 phân khúc chính: (i) phổ thông (giá vừa phải/thấp, chủ yếu là các thương hiệu Việt); (ii) trên phổ thông/cao cấp (giá cao, chủ yếu là các thương hiệu lâu đời trên thế giới được nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc sản xuất bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam); (iii) phi chính thức (tự sản xuất hoặc lậu, thường không đóng thuế và không chịu kiểm tra về chất lượng).
Theo thống kê hiện nay, với thị trường bia, khoảng 80% tiêu thụ là các loại bia phổ thông. Theo báo cáo “Tổng quan về hệ thống chính sách thuế đối với ngành sản xuất rượu và đề xuất kiến nghị” của CIEM (2020), tổn thất về thuế đối với rượu phi chính thức khoảng trên 750 triệu USD.
Nhu cầu sử dụng bia, rượu (đồ uống có cồn) rất thật trong đời sống của mọi tầng lớp dân cư. Việc sử dụng quá mức/lạm dụng bia rượu có thể dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn, thậm chí tiêu cực về sức khỏe và cả an toàn, ổn định xã hội. Nhưng ngược lại, đây là cơ sở tạo cung và có tác động qua lại với sản xuất kinh doanh, cùng với đó là công ăn việc làm, thu nhập người lao động, nguồn thu ngân sách và cả cạnh tranh trên thị trường. Đây là lý do ra đời của Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm ngăn ngừa tác động có hại của rượu bia.
Do vậy chính sách có đa mục tiêu, tính hiệu lực hiệu quả theo nguyên lý kinh tế. Thuế TTĐB quan trọng, song không thể là tất cả. Cần có các biện pháp khác như truyền thông; chăm sóc y tế, sức khỏe; chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái… Cân bằng còn tùy thuộc vào “trọng số” chính sách đặt vào các mục tiêu với áp lực từ các nhóm xã hội khác nhau. Hơn nữa, cân bằng ở đây là cân bằng động, có tính thời điểm liên quan đến thăng trầm sản xuất kinh doanh, thu ngân sách cao thấp, hay sự dịch chuyển thu nhập (thấp/khá/cao).
Chưa phải thời điểm thích hợp
Theo thông lệ, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu: (i) thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); (ii) thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); (iii) thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối. Mỗi phương pháp có những ưu nhược điểm riêng.
Thường thuế tương đối đảm bảo hiệu quả phân bổ nguồn lực tốt hơn, là van tự động điều chỉnh theo lạm phát; phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vì còn có những khác biệt lớn về giá bán các sản phẩm đồ uống có cồn. Thuế tuyệt đối phù hợp hơn với các nước phát triển, vì các sản phẩm bia rượu có giá bán và chất lượng tương đồng.
Cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu sâu về sự phù hợp mức thuế và phương pháp đánh Thuế TTĐB đối với bia rượu ở Việt Nam, ngoài 2 nghiên cứu liên quan gần đây nhất, là “Nghiên cứu về hệ thống Thuế TTĐB” vào tháng 11-2022 của PwC về thuốc lá, và “Báo cáo đánh giá định lượng tác động của Thuế TTĐB đối với ngành đồ uống có cồn” vào tháng 5-2022 của CIEM. Theo 2 nghiên cứu này, về dài hạn Việt Nam nên dần theo thông lệ quốc tế (chuyển từ thuế tương đối sang thuế hỗn hợp rồi thuế tuyệt đối).
Việt Nam nên giữ nguyên phương pháp tính Thuế TTĐB tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế TTĐB tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%.
Tuy nhiên, Thuế TTĐB hỗn hợp hay tuyệt đối về nguyên tắc sẽ làm tăng giá tương đối của các dòng sản phẩm phân khúc phổ thông so với dòng sản phẩm phân khúc cao cấp.
Do đó, nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt. Với mức thu nhập còn thấp ở nhiều tầng lớp dân cư, giá cao hơn cũng có thể làm tiêu dùng dịch chuyển mạnh hơn sang phân khúc phi chính thức. Khi đó, cả sức khỏe của người dân và thu ngân sách… có thể chịu tác động xấu hơn.
Với những xem xét các chiều cạnh mục tiêu chính sách, thực trạng và đặc điểm thị trường bia rượu Việt Nam hiện nay, cũng như các nghiên cứu đã biết cùng vấn đề đặt ra, Việt Nam nên giữ nguyên phương pháp tính Thuế TTĐB tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất Thuế TTĐB đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế TTĐB tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ và sâu cung - cầu, (phân khúc) thị trường bia rượu cùng điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là quá trình thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến 2030 và 2045, và các kịch bản áp dụng phương pháp đánh thuế tương đối, hỗn hợp, tuyệt đối.
Trên cơ sở đó và tính đến kinh nghiệm quốc tế, cân nhắc khoảng 2030 (Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao), có thể áp dụng phương pháp đánh Thuế TTĐB hỗn hợp với bia rượu.