Thuế tiêu thụ đặc biệt phải tính đến phương án hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Cân nhắc kỹ phương pháp tính thuế gắn với mục tiêu và đạo lý chính sách, tránh tác động nặng nề cho doanh nghiệp (DN). Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị DN, về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.
Sẽ có lộ trình tăng thuế TTĐB với rượu, bia, giúp DN sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển.
Sẽ có lộ trình tăng thuế TTĐB với rượu, bia, giúp DN sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển.

PHÓNG VIÊN: - Dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi có nhiều nội dung mới sẽ ảnh hưởng đến các DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu Thuế TTĐB, đang nhận được nhiều ý kiến. Quan điểm của ông?

Ông Nguyễn Văn Phụng: - Bất luận trong trường hợp nào, ở xã hội nào, đất nước nào, ở giai đoạn nào trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, thuế đều phải dựa trên cơ sở kinh tế vốn có của nó là sản xuất kinh doanh, sức khỏe của nền kinh tế, thu nhập, chi tiêu của người dân và sự tồn tại, phát triển của cộng đồng DN.

Với Việt Nam, chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, lại chịu tiếp tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, DN và nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, ngoài các mục tiêu điều tiết tiêu dùng, tạo lập và ổn định ngân sách, chính sách, pháp luật về Thuế TTĐB cần đóng vai trò là công cụ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi để phát triển bền vững.

Vì thế, các phương pháp tính Thuế TTĐB khi xem xét, sửa đổi, cần được cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng ưu, nhược để áp dụng cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị DN
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị DN

Về phương pháp tính thuế mới, theo dự thảo luật, bên cạnh việc áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (thuế tương đối) hiện hành, có đề xuất bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối và phương pháp hỗn hợp (áp dụng đồng thời cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thu tuyệt đối). Trong đó, bổ sung thuế tuyệt đối và áp dụng thuế hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá; giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối, nhưng sẽ có điều chỉnh tăng thuế suất Thuế TTĐB theo lộ trình đối với mặt hàng rượu, bia…

Có một số ý kiến thiên về phương pháp tính thuế tuyệt đối và thuế hỗn hợp áp dụng đối với mặt hàng rượu, bia. Bởi lẽ, đây là cách tính thuế tiên tiến, đơn giản, dễ thực hiện, nhiều quốc gia đã áp dụng nhằm hạn chế tiêu dùng, hạn chế sản xuất đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật giữ quan điểm chưa áp dụng phương pháp tính thuế này đối với rượu bia; giữ nguyên phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, vì phù hợp với thực tế Việt Nam trong cả hiện tại và trong nhiều giai đoạn phát triển tới của đất nước.

Từ quan điểm cá nhân, trên cơ sở nghiên cứu nguyên lý và thực tiễn các nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam, tôi cho rằng cần cân nhắc, đánh giá triển vọng về kinh tế vĩ mô, hoạt động của thị trường, thực trạng và sức khỏe của DN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các thay đổi của chính sách Thuế TTĐB. Từ đó, cân nhắc các phương pháp tính thuế, mục tiêu và đạo lý chính sách, tránh tạo ra những tác động xấu cho DN sản xuất thương hiệu Việt trong nước.

Ngoài các mục tiêu điều tiết tiêu dùng, tạo lập và ổn định ngân sách, thì chính sách, pháp luật về thuế TTĐB phải đóng vai trò là công cụ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và phục hồi, phát triển bền vững.

- Vậy đâu là những lưu ý cần nghiên cứu kỹ lưỡng, để tránh tác động nặng nề cho DN như ông đề cập?

- Luật Thuế TTĐB đã được sửa đổi 4 lần, nhưng trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nên cần được tiếp tục được hoàn thiện.

Do vậy Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo luật để sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành, đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách. Đặc biệt, bảo vệ ngành đồ uống trong nước trong cạnh tranh với các nhãn hàng lớn, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bởi thực tế, thị trường bia rượu Việt Nam đang có chênh lệch lớn giữa giá bán sản phẩm phổ thông (bình dân) và sản phẩm phân khúc trên phổ thông. Nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối trên số lít sản phẩm, giá của các dòng sản phẩm phân khúc trên phổ thông sẽ rẻ hơn, trong khi giá của dòng sản phẩm phổ thông sẽ bị đẩy lên. Nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của DN sản xuất rượu bia thương hiệu Việt.

Hiện nay có đến 80% thị phần tiêu thụ là các dòng bia phổ thông thương hiệu Việt. Thu thuế theo phương pháp phần trăm có thuận lợi là giá cao thuế nhiều, giá thấp thuế ít, DN, Nhà nước và người tiêu dùng cùng chia sẻ rủi ro, lợi ích khi giá cả thay đổi. Ngược lại, áp thuế tuyệt đối sẽ tạo ra mặt bằng giá cao hơn, khiến sức mua sụt giảm, dẫn đến doanh thu giảm, khả năng sản xuất giảm, thậm chí thua lỗ.

Tác động kéo theo là thu hẹp quy mô hoạt động và giảm hiệu quả kinh doanh của các ngành dịch vụ, du lịch, giải trí…, những nơi sử dụng sản phẩm rượu bia phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Hệ lụy tiếp theo là thị phần sản xuất bia thương hiệu Việt bị sụt giảm, các mặt hàng bia thương hiệu quốc tế sẽ dần thay thế, chiếm lĩnh thị trường.

- Theo ông phương pháp thu thuế nào phù hợp hơn?

- Trên thực tế, chính sách Thuế TTĐB theo hướng áp dụng theo tỷ lệ phần trăm, điều chỉnh thuế suất theo lộ trình từng giai đoạn trong thời gian qua cũng nhằm hỗ trợ DN sản xuất bia địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng sức cạnh tranh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Theo thống kê, số lao động trong ngành đồ uống tại Việt Nam khoảng 80.000 người.

Vì vậy, duy trì phương pháp thu thuế tương đối sẽ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, ít nhất trong trong giai đoạn hiện nay và khoảng 5-10 năm tới, nhằm tránh gây tổn hại đến thương hiệu Việt, trong điều kiện DN Việt đang dần vươn lên trên thị trường.

Duy trì phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình, còn phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của DN. Đây là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, giúp ổn định nguồn thu, đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, cũng như giúp DN sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển.

- Xin cảm ơn ông.

-------

Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng cục Thuế, Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Các tin khác