Song những lợi thế của An Giang chưa phải là quá độc đáo khiến cho nhà đầu tư để mắt đến. Bởi vị trí địa lý cách xa các cơ quan cấp TW nên việc tiếp cận để nắm bắt những thông tin “đặc biệt” cũng rất hạn chế.
Trong xu thế hội nhập, thời gian gần đây, ranh giới phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đã “mờ dần”. Minh chứng cho điều này phải kể đến sự phát triển của Tập đoàn Sao Mai.
Chỉ mới 9 tháng năm 2018, doanh thu Sao Mai Group (ASM) đạt gần 6.000 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt trên 1.100 tỷ đồng, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ và vượt 25% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2018. Kết quả này đã đưa Sao Mai lần đầu tiên góp mặt trong danh sách câu lạc bộ lãi ngàn tỷ.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai cho biết, doanh thu tăng chủ yếu từ các lĩnh vực chủ chốt: bất động sản, đặc biệt là nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, bột mỡ cá, thức ăn cho cá (Sao Mai Super Feed) và du lịch. Theo ông Thuấn, ngoài việc đóng thuế cho ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng hàng năm, mỗi năm tập đoàn đã chi không dưới 20 tỷ đồng cho công tác từ thiện.
Sao Mai đã tạo việc làm ổn định, mang lại thu nhập cao cho gần 10.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Đây là những con số đã nói lên tầm ảnh hưởng rất lớn của ASM đối với mục tiêu phát triển kinh tế của An Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Trở lại câu chuyện làm thế nào để tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội địa phương, An Giang cần phải có những bước đi ngoạn mục hơn. Lao động phải có nhiều việc làm, xã hội phải tích tụ được nhiều vốn, nhiều doanh nghiệp quản trị giỏi, nguồn nhân lực sắc sảo, nhạy bén, có hạ tầng cơ sở hiện đại.
Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh An Giang thấu hiểu và đang nỗ lực bứt phá. Khát vọng biến địa danh An Giang thành địa phương đáng tự hào cho thế hệ hôm nay và mai sau đang dần được định hình ngay trong nhiệm kỳ của “đổi mới và sáng tạo”.