Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam. Đây là một trong những nội dung được dư luận quan tâm sau khi nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng Việt Nam còn “non” kinh nghiệm trong việc đầu tư đường cao tốc, dẫn đến suất đầu tư vốn/km đường cao tốc vượt cả Hoa Kỳ, Trung Quốc…
Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2005 Việt Nam bắt đầu triển khai một số dự án đường cao tốc. Hiện nay đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 150km đường cao tốc, gồm các tuyến: TPHCM - Trung Lương, Láng - Hòa Lạc, Cầu Giẽ - Ninh Bình; Vành đai III - Hà Nội với quy mô 4-6 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, cả nước sẽ có thêm 600km đường cao tốc. Một số dự án đang triển khai có thể kể đến là: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án chuẩn bị triển khai gồm: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Hơn 7 năm qua, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam mới ở giai đoạn xuất phát điểm và sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn 2015-2020.
Cũng theo Bộ Xây dựng, nếu quy đổi về mặt bằng giá quý II-2012, suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe ở khu vực miền núi, trung du phía Bắc bình quân 7,4 triệu USD/km; miền Trung và Nam Trung bộ bình quân 10,5 triệu USD/km; đồng bằng Bắc bộ 10,6 triệu USD/km; đồng bằng Nam bộ 17,2 triệu USD/km. Những tuyến đi qua vùng có địa hình, địa chất đặc biệt như tuyến Bến Lức - Long Thành có điều kiện địa hình, địa chất đặc biệt suất đầu tư là 28,2 triệu USD/km.
Đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình với chi phí bình quân 8,29 triệu USD/km, |
Đơn cử, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quy mô 4 làn xe, chiều dài tuyến 131,5km, dự kiến triển khai từ năm 2013-2017 với suất đầu tư 7,9 triệu USD/km; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với quy mô 4 làn xe, chiều dài tuyến 62,5km, triển khai từ năm 2009-2013 với suất đầu tư 4,19 triệu USD/km; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km, quy mô 4 làn xe, vừa hoàn thành năm 2012, chi phí xây dựng bình quân 8,29 triệu USD/km; cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 51km, quy mô 4 làn xe, triển khai từ năm 2009 - 2013, chi phí xây dựng bình quân 10,54 triệu USD/km; cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến triển khai xây dựng từ năm 2013-2018, chi phí xây dựng bình quân 28,2 triệu USD/km.
Trong khi đó, suất vốn đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại 2 dự án ở (Thanh Hải - Lan Châu - Thiểm Tây) và An Kang - Xi’an tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) khoảng 7,6-14,3 triệu USD/km. Tại Hàn Quốc, tuyến nối số 2 tại Busan - Hàn Quốc là 19,16 triệu USD.
Tại Nhật Bản, đường cao tốc 2 làn xe Tomei (hoàn thành năm 2008) có suất đầu tư 39,6 triệu USD/km, Bắc Kanto (hoàn thành năm 2012) 65 triệu USD/km; đường cao tốc 4 làn xe vành đai II - Nagoya (hoàn thành năm 2011) 207 triệu USD/km, Shintomei (hoàn thành năm 2012) 206,7 triệu USD/km.
Từ những chênh lệch quá lớn trên, Bộ Xây dựng cho rằng việc so sánh giữa các dự án trong nước và giữa Việt Nam với các nước trên thế giới chỉ mang tính tương đối, chủ yếu để tham khảo. Bởi cùng điều kiện địa hình nhưng suất chi phí xây dựng bình quân cho 1km đường phụ thuộc rất nhiều vào tỷ trọng chi phí cầu, hầm, xử lý nền đất yếu chiếm trên tuyến.
Đối với tuyến có nhiều sông ngòi (nhiều cầu), phải xử lý nền đất yếu với khối lượng lớn, suất chi phí xây dựng sẽ cao hơn nhiều so với những tuyến có tỷ trọng cầu, hầm và xử lý nền đất yếu với khối lượng nhỏ.
Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân làm chi phí đầu tư đường cao tốc ở nước ta còn cao do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cao, việc tổ chức thực hiện thường chậm trễ làm chậm tiến độ và tăng chi phí. Thời gian xây dựng dự án kéo dài do giải phóng mặt bằng, thiếu vốn... làm tăng chi phí đầu tư bởi trượt giá, biến động giá.
Nguồn cung cấp vật liệu không ổn định, chủ đầu tư thiếu chủ động trong chuẩn bị nguồn vật liệu nên giá vật liệu thường biến động lớn khi triển khai xây dựng, phát sinh chi phí. Việc xác định các chủ trương đầu tư, áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc không phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dự án cũng ảnh hưởng tới chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Nhiều loại máy móc, thiết bị thi công và các loại nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu đều phải nhập khẩu. Các dự án xây dựng đường cao tốc có tổng mức đầu tư lớn nên thường huy động nguồn vốn vay (ODA, OCR, vay thương mại) nên phải chịu thêm lãi vay và các điều kiện vay, làm tăng chi phí đầu tư.