Đường đua 3F

Việc hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi - Farm: nông trại - Food: thực phẩm trên bàn ăn) không còn là câu chuyện mới. Song đây là một cuộc chơi lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực của các DN, nhất là DN nội.

Việc hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi - Farm: nông trại - Food: thực phẩm trên bàn ăn) không còn là câu chuyện mới. Song đây là một cuộc chơi lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực của các DN, nhất là DN nội.

Nội tăng tốc đầu tư

Một đối thủ nội nặng ký đang được nhắc đến trên đường đua vào mô hình 3F chính là Tập đoàn Masan (Masan Group). Hồi đầu năm Masan đã hoàn tất mua lại 100% cổ phần Công ty TNHH Saigon Nutri Food. Đây là DN chuyên sản xuất xúc xích, đồ hộp và chả giò snack ăn liền.

Cũng trong những tháng đầu năm 2015, Masan Group công bố thông tin đã mua thành công 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Tập đoàn sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science. Với việc gần như mua đứt công ty này, Masan cũng chính thức sở hữu 52% cổ phần của CTCP Sản xuất thức ăn gia súc Việt - Pháp (Proconco) và 70% cổ phần của CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco).

Việc có trong tay Proconco và Anco không chỉ giúp Masan lấn sân mạnh trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi mà còn cả chăn nuôi và chế biến thực phẩm, bởi Anco là một khối liên kết thống nhất gồm 4 công ty chuyên sản xuất và kinh doanh trong các lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc và thực phẩm chế biến. Những bước đi mới này cho thấy rõ tham vọng của đại gia Masan trong việc hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F.

Ngoài Masan, những DN nội khác như Vissan, Ba Huân, Adeco… cũng đang tăng tốc đầu tư để hoàn thiện chuỗi thực phẩm an toàn có thể truy xuất nguồn gốc. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, chia sẻ việc liên tục đẩy mạnh đầu tư đã giúp Ba Huân xây dựng hoàn tất chuỗi thực phẩm gia cầm an toàn từ chăn nuôi, phát triển đến chế biến thực phẩm.

Cụ thể, năm 2012 công ty đã xây dựng trang trại chăn nuôi gà ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng. Cuối năm 2014 Ba Huân đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thực phẩm gia cầm tại Long An với vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Sản phẩm chính của nhà máy là thịt gia cầm chế biến, gồm thịt gà tươi, lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà, trứng cút, trứng vịt luộc, bột trứng, bánh flan và một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà…

Cũng như Ba Huân, Vissan liên tục đẩy mạnh đầu tư để hoàn thiện chuỗi giá trị của mình. Mới đây nhất, Vissan đã khánh thành nhà máy chế biến thực phẩm tại Bắc Ninh. Với nhà máy này, khâu chế biến vốn là thế mạnh của Vissan càng được khẳng định hơn. Trước đó, vào năm 2011 Vissan cũng đầu tư xây dựng cụm công nghiệp chế biến thực phẩm tại Long An với vốn đầu tư lên tới 150 triệu USD.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho biết hiện công ty đang chuẩn bị cho những chương trình lớn như dời nhà máy về Long An, xây dựng trung tâm điều phối tại khu công nghiệp Tân Tạo... Riêng về chăn nuôi, vốn chưa phải là thế mạnh của công ty, nhưng ngoài trang trại tại Phú Giáo (Bình Dương), Vissan cũng đang đầu tư thêm trang trại tại Bình Thuận.

Ngoại định hình

Trong khi các DN nội còn đang trong cuộc đua đầu tư để hoàn thiện mô hình, một đối thủ ngoại trong ngành chăn nuôi thường xuyên được nhắc đến là CP đã hoàn thiện mô hình 3F. CP đang nắm vị trí số 1 tại thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam với 18% thị phần, với 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nội và Hải Dương.

Ngoài sản xuất các sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc (lợn, bò thịt, bò sữa), thức ăn gia cầm (gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, vịt đẻ, chim cút) và thức ăn thủy sản (tôm, cá), CP Việt Nam còn hoàn thiện khâu con giống, chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Hiện nay nhà đầu tư ngoại này đang đẩy mạnh mảng phân phối thông qua thệ thống cửa hàng bán lẻ Fresh Mart của CP, các cửa hàng liên kết với nhà đầu tư Việt Nam như CP-Shop, Five Star và hệ thống siêu thị trong cả nước.

Không được nhắc đến nhiều như CP, nhưng Công ty Liên doanh Austfeed cũng là một trong số DN ngoại hoàn thiện mô hình sản xuất “từ nông trại tới bàn ăn”, với chuỗi giá trị khép kín từ khâu thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y, chăn nuôi cho đến chế biến và cung cấp thực phẩm chất lượng cao.

Có mặt ở Việt Nam năm 2004, ban đầu Austfeed chỉ là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ, sau 10 năm công ty đã có mạng lưới 4 nhà máy. Để hoàn thiện các mắt xích trong chuỗi 3F của mình, năm 2013 Austfeed mua phần lớn cổ phần và nắm quyền điều hành Công ty Dược thú y Cai Lậy (Mekovet). Cùng lúc Austfeed thành lập và đưa vào hoạt động Công ty liên doanh Thực phẩm Mavin.

Như vậy với 3 mắt xích Austfeed (cung cấp con giống, thức ăn), Mekovet (cung cấp dược thú y) và Mavin, công ty này đã hoàn thiện chuỗi 3F của mình. Một cái tên ngoại khác cũng đã định hình mô hình 3F là Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Ngoài 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Japfa tổ chức chăn nuôi gà, thịt lợn siêu nạc và sản xuất gà giống. Có nhà máy giết mổ gia cầm và nhà máy chế biến thực phẩm (xúc xích) Jupiter.

Như đã nói, đường đua 3F là cuộc chơi lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực của các DN, nhất là DN nội. Bởi lẽ, dù mục tiêu thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn đã rõ nhưng việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng đang là thách thức đối với nhiều DN nội do chi phí vốn rất lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ giết mổ và duy trì hệ thống phân phối.

Hơn nữa, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi là xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ổn định và bền vững trong sản xuất. Muốn làm được điều này DN nhất thiết phải tạo được mối liên kết chặt chẽ trong quy trình đầu tư xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, từ khâu nuôi trồng, chế biến đến phân phối.

Các tin khác