Thực ra câu chuyện nâng hạng luôn là chủ đề nóng trên TTCK trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nâng hạng không chỉ xuất hiện trên các diễn đàn CK, mà đi thẳng lên nghị trường Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 và tháng 10 tới đây, với các thỏa thuận liên quan đến việc nới room NĐTNN.
Hiện có 3 ứng cử viên đang được FTSE Russell theo dõi xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 gồm: Argentina, Romania và Việt Nam. Trong khi đó, TTCK Tanzania cũng được đưa danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường cận biên. |
Thế nhưng, việc FTSE Russell đã ra báo cáo phân loại quốc gia tạm thời tháng 3 hàng năm với những kết luận không mấy khả quan, gây nên những tác động tâm lý không tốt đối với TTCK. Dù theo công bố của FTSE Russell, Việt Nam vẫn tiếp tục được nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi bậc 2.
Điểm nhấn báo cáo này là sự thay đổi đánh giá của FTSE Russell đối với 4 tiêu chí, trong bộ tiêu chí xếp hạng đối với trường hợp của Việt Nam. Trong 4 sự thay đổi này, chỉ có 1 sự thay đổi tích cực duy nhất đối với “Thị trường phái sinh” đã được nâng từ “Không đạt” thành “Vẫn còn giới hạn”.
Ở chiều ngược lại, tiêu chí bị đánh giá tiêu cực là “Duy trì tài khoản riêng biệt cho tất cả các NĐT quốc tế”, giảm từ mức “Đạt” xuống mức “Vẫn còn giới hạn”. Tiêu chí bị đánh giá tiêu cực khác là “Thị trường ngoài sàn được cho phép” giảm từ mức “Vẫn còn giới hạn” xuống mức “Không đạt”.
Đáng chú ý, trong kỳ xem xét này, tiêu chí “Thanh toán bù trừ” không cho thấy bất kỳ sự cải thiện nào. Trong khi đó, tiêu chí “Thanh toán các giao dịch thất bại” hiếm khi xảy ra chuyển từ trạng thái “Đạt” sang trạng thái “Không đánh giá”. Nguyên do của việc này theo FTSE Ressell là do việc thị trường tiến hành kiểm tra trước giao dịch. Đây là 2/9 tiêu chí tiên quyết để Việt Nam có thể sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 trong thời gian tới.