Đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội phá vỡ “kỷ lục” đội vốn, chậm tiến độ

(ĐTTCO)-Nhiều lần lỡ hẹn, đến nay dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội lại xin tăng 6.325,1 tỷ đồng và xin lùi tiến độ đến năn 2029 mới hoàn thành, phá vỡ “kỷ lục” buồn của tuyến Metro Cát Linh-Hà Đông.
Đại công trường của nhà ga đầu tiên của nhà ga ngầm trên phố Kim Mã đã nhiều tháng không có công nhân. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
Đại công trường của nhà ga đầu tiên của nhà ga ngầm trên phố Kim Mã đã nhiều tháng không có công nhân. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Trước khi dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội được khởi công vào năm 2006, dự án này từng được kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP. Hà Nội đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn đang mịt mù ngày về đích, khi khối lượng thi công mới chỉ đạt khoảng 74,36% hạng mục công việc.

 Nhiều lần lỡ hẹn

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã trình và được UBND TP. Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường Nhổn-ga Hà Nội (Metro Nhổn-ga Hà Nội).

Theo đó, MRB đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029. Trong đó, khai thác đoạn trên cao dài 8,5km trong năm 2022, khai thác toàn tuyến 12,5km vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.

Với việc chậm tiến độ và liên tục lỡ hẹn ngày hoàn thành dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đội vốn thêm khoảng 4.905 tỷ đồng (tương đương 202,81 triệu euro) nâng tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng.

Nguyên nhân chậm tiến độ là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí.

Lý giải về lý do đội vốn, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt Hà Nội (MRB) cho biết, do biến động của tỉ giá quy đổi (tiền euro sang tiền Việt Nam) khi thanh toán khối lượng thực hiện; điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công, phương án vận hành; chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; bổ sung các phần việc còn thiếu do không lường trước được khi dự án lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam...

“Với 6 vấn đề mà chúng tôi đã nhận diện được trong dự án này thì có 3 vấn đề được UBND thành phố Hà Nội đã xử lý. Còn lại 3 vấn đề không thuộc thẩm quyền của thành phố thì đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo đại diện MRB, cùng với các khó khăn, vướng mắc nêu trên là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

“Việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng quy định để giải quyết tranh chấp; các vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị”, đạ diện MRB cho hay.

Theo MRB, một vướng mắc khác liên quan đến điều chỉnh hợp đồng Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói), Tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc.

Để tháo gỡ vướng mắc, MRB đã kiến nghị thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án Metro Nhổn-ga Hà Nội.

Người dân sống “lay lắt’ nơi dự án đi qua

Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN, hiện nay trên toàn tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội không có bất cứ hoạt động xây dựng, thi công nào. Tại “đại công trường” của nhà ga đầu tiên của nhà ga ngầm trên phố Kim Mã đã nhiều tháng không có công nhân thi công, cỏ cây mọc um tùm, nhiều đoạn lõi sắt đổ bê tông thò ra ngoài hoen rỉ.

Việc dự án giao thông quan trọng, đi qua nhiều khu vực trung tâm, tuyến đường huyến mạch…thi công dang dở đã để lại rất nhiều hệ luỵ. Theo ông Hồ Văn Sâm, người dân phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, bức xúc: Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội thi công giữa chừng ảnh hưởng rất lớn việc đi lại của người dân, rồi vấn đề bụ bặm, ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế…

“Nếu như trước đây con đường này có cả làn đi cho ô tô thì nay bị thu hẹp chỉ còn cho cho xe máy lưu thông. Người đi bộ muốn đi qua khu vực này chỉ còn cách nép sát vào một bên đường, vừa đi vừa lo sợ. Cùng với đó là bụi bẩn, ô nhiễm...Nhiều gia đình đã phải dọn đi nơi khác vì không chịu được sự bất tiện như thế này. Chúng tôi quá bức xúc và quá mệt mỏi rồi. Cũng vì không nghề, buộc phải kinh doanh bươn chải thôi…”, ông Sâm nói.

Nhà ở ngay cạnh dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội, bà Lan tưởng rằng cuộc sống gia đình sẽ thuận tiện hơn vì có thêm phương tiện công cộng để di chuyển, nhưng tiện đâu không thấy, chỉ thấy những khó khăn trước mắt khi việc cho thuê cửa hàng của bà bị trì trệ, bà buộc phải chuyển hướng sang bán dưa cà kiếm sống.

“Nhà tôi mặt đường Kim Mã, trước đây cho thuê làm cửa hàng bán quần áo thời trang, thì cũng đủ trang trải cuộc sống. Nhưng gần 5 năm nay, từ khi rào đường để thi công tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội thì cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn, nhà không cho thuê được. Bây giờ đồng dưa đồng cà như thế này thì khó khăn lắm. Tôi không có lương, hoàn toàn phụ thuộc vào cửa hàng. Như thế này coi như bị bịt hết dạ dày của bọn tôi rồi”, bà Lan than thở.

Không chỉ nhà ông Sâm, bà Lan mà hàng trăm gia đình khác cũng phải chịu cảnh khốn khó. Nhiều hộ dân sinh sống nhờ buôn bán kinh doanh giờ chỉ có thể “há miệng chờ sung” bởi số lượng khách đến mua hàng đã giảm hẳn. Hơn bao giờ hết, các gia đình sinh sống tại đây đều mong muốn dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội sớm đi vào hoạt động để cuộc sống của họ được ổn định trở lại.

Đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội phá vỡ “kỷ lục” đội vốn, chậm tiến độ ảnh 1
Đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn "khủng" phá kỷ lục Cát Linh – Hà Đông.
Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội "phá vỡ kỷ lục" đội vốn, đội tiến độ

Trái ngược với những kỳ vọng đó, dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội lại trở thành một dự án chậm tiến độ và để lại nhiều tai tiếng. Thậm chí, nhiều người còn ví von đây là dự án "rùa bò" chậm nhất, đội vốn "khủng" nhất cả nước.

Về tổng quan: Dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội khởi công lần đầu năm 2006, hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, dự án đã phải tạm dừng triển khai và đến tháng 9/2010 mới được khởi công và tiến độ được lùi tới năm 2015.

Sau đó, dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội thi công ì ạch, liên tục phải lùi ngày hoàn thành đến năm 2016, 2017 và 2018. Tiếp đó là lùi tiến độ hoàn thành đến năm 2019.

Trước đó Hà Nội dự kiến đưa đoạn trên cao từ Depot Nhổn đến Cầu Giấy khai thác trước vào cuối năm 2021, còn đoạn đi ngầm từ ga S8 - Kim Mã đến Trần Hưng Đạo vẫn tiếp tục được thi công. Tuy nhiên, tiến độ vận hành khai thác vào cuối năm 2021 tiếp tục bị lỡ hẹn.

Nếu dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội được điều chỉnh lùi tiến độ hoàn thành đến năm 2029 (tức 23 năm dự án mới hoàn thành kể từ ngày khởi công lần đầu). Như vậy, dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội sẽ đi vào lịch sử của ngành GTVT nói chung và TP. Hà Nội nói riêng, khi phá vỡ mọi kỷ lục của các dự án hạ tầng giao thông.

TS. Nguyễn Xuân Thủy-chuyên gia giao thông nhìn nhận, tại TP. Hà Nội người dân từng chờ đợi, hy vọng và...rồi thất vọng rất nhiều với dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông trễ hẹn, đội vốn. Tuy nhiên, cuối cùng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cũng đã chính thức vận hành khai thác thương mại sau 10 năm xây dựng. Còn việc dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội xin lùi tiến độ đến năm 2029 lại một lần nữa người dân Thủ đô tiếp tục phải chờ đợi, hy vọng và...thất vọng mà không biết tiến độ dự án có hoàn thành đúng tiến độ hay lại phải chờ đợi tới năm 2030...

“Người ta việc cái chậm là đương nhiên, theo tôi đó là sai lầm. Vấn đề ùn tắc giao thông sẽ ngày càng khốc liệt. Ùn tắc gây ra mất an toàn, gây lộn xộn trong xã hội và làm cho người dân không an tâm, đi ra đường là thấy ùn tắc. Chúng ta phát triển giao thông công cộng để cạnh tranh với phương tiện cá nhân, người dân đi phương tiện công cộng giảm bớt đi phương tiện cá nhân thì đỡ ùn tắc. Chúng ta để kéo dài như vậy gây ra thất thoát rất lớn. Nếu để đắp chiếu thì không phải chỉ bản thân dự án chịu hậu quả mà cả đất nước phải chịu”, TS Nguyễn Xuân Thủy gay gắt. 

Từ thực tế dang dở, điệp khúc tăng vốn, lùi tiến độ của Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, ông Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội lo ngại Dự án này chưa biết bao giờ đưa vào vận hành được.

“Đó thật sự là điều rất đáng e ngại. Ở đây tôi nghĩ rằng phần lớn là do công tác giải phóng mặt bằng gây ra. Do vậy, tôi cho rằng chính sách pháp luật của chúng ta phải hoàn thiện hơn nữa. Bản thân các nhà thầu người ta cũng rất không hài lòng khi các điều kiện thi công không đảm bảo”, ông Cường nói.

Theo ông Hoàng Văn Cường, lo lắng nhất của dự án Nhổn-ga Hà Nội hiện nay là chờ giải phóng mặt bằng của phần đi ngầm và ga cuối cùng hiện đang vướng mắc nghiêm trọng, đến nay chưa có phương án giải quyết, mà chưa có phương án giải quyết thì chưa biết đến khi nào mới đưa đoàn tàu này vào vận hành được.

“Quả thật đấy là một điều rất đáng lo ngại. Ở dự án Cát Linh-Hà Đông chậm do nhiều vấn đề, còn dự án này là do chậm giải phóng mặt bằng gây ra. Do đó tôi nghĩ chính sách pháp luật cần phải hoàn thiện hơn nữa, bản thân các nhà thầu cũng sẽ không bằng lòng với các điều kiện thi công trong nước như hiện nay. Việc này để lâu sẽ ảnh hưởng đến kêu gọi vốn đầu tu các dự án giao thông trọng điểm khác”, ông Cường nói.

Rõ ràng, chờ mong về tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội để giúp người dân Thủ đô đi lại dễ dàng, thuận tiện vẫn còn xa ngái. Bởi, không ai dám chắc, dự án sẽ không còn lỗi hẹn ngày về đích.

Không nói quá, khi so sánh dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội với dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, tuy nhiên, so sánh có thể thấy, đường sắt Nhổn-ga Hà Nội có thời gian chậm tiến độ khoảng gấp 2 lần so với đường sắt Cát Linh-Hà Đông (hoàn thành sau 10 năm thi công).

Liên tục các “kỷ lục” buồn về đường săt đô thị ở Việt Nam được xác lập, “kỷ lục” sau luôn vượt kỷ lục trước ở nhiều góc độ.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, có chiều dài hơn 12km, được phê duyệt lần đầu vào năm 2006, tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, dự kiến hoàn thành vào năm 2010.

Nhưng đến tháng 9/2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mới được UBND thành phố Hà Nội khởi công, tổng vốn đầu tư được điều chỉnh lên 1176 triệu Euro (tăng 393 triệu Euro), kế hoạch hoàn thành được lùi đến năm 2015.

Tuy nhiên, do nhiều vấn đề vướng mắc, thi công cầm chừng, dự án tiếp tục xin lùi lại thời gian hoàn thành đến 2018, sau đó là năm 2022, và hiện nay là đến năm 2029.

Các tin khác