PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Bộ Chính trị xác định xây dựng đường sắt TPHCM - Cần Thơ là dự án trọng điểm quốc gia. Vậy Long An đã triển khai dự án này như thế nào?
Ông NGUYỄN HOÀNG TUẤN: - Hiện tỉnh Long An đang tích cực thực hiện các phần công việc của mình. Trước mắt, chúng tôi đã gấp rút thực hiện 2 việc là thống nhất về hướng tuyến và vị trí ga. Trước đây, tuyến đường sắt nằm bên phải cao tốc TPHCM - Trung Lương (hướng TPHCM đi miền Tây) không thuận lợi.
Sau khi làm việc thống nhất giữa các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sở GTVT tỉnh Long An đã làm việc với các địa phương trong tỉnh đoạn đường sắt đi qua như Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An, đã thống nhất trở lại là tuyến đường sắt sẽ đi bên trái tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương hướng TPHCM đi miền Tây. Đồng thời, UBND tỉnh Long An đã có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT về hướng tuyến. Như vậy hướng tuyến đã khớp với tỉnh Tiền Giang.
Ga đường sắt trước đây nằm ở xã Tân Bửu (huyện Bến Lức). Hiện nay Tân Bửu đang phát triển mạnh về dân cư thương mại dịch vụ, nếu giữ ga nằm ở đây sẽ không phù hợp đối với khu đô thị dân cư đông đúc. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh cũng đã thống nhất dời về phía xã Thạnh Đức. Hiện nay quỹ đất khu vực này còn khá rộng, rất thuận lợi để phát triển ga, gồm ga hành khách và ga hàng hóa, vì vậy cần quỹ đất rất lớn, có thể kết hợp làm kho bãi và trung tâm logistics ở khu vực này.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh đã thống nhất điều chỉnh tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ qua ga chuyên dụng để xuống Cảng Quốc tế Long An, sao cho phù hợp để kết nối Cảng Quốc tế Long An và tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Qua thực tế, nhận thấy trạm ga trước đây có 1 ga nằm phía huyện Thủ Thừa gần với ga Bến Lức, đồng thời đặt nhà ga tại đây việc kết nối giao thông với Quốc lộ 1 rất khó. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh đã thống nhất dời qua bên sông Vàm Cỏ Tây đoạn thuộc xã Lợi Bình Nhơn, phường Tân Khánh (TP Tân An).
Cần nói thêm, khu vực này mạng lưới giao thông có sẵn. Điều đặc biệt thuận lợi trong việc di dời ga sang phường Tân Khánh là sẽ cặp với đường vành đai TP Tân An, là công trình trọng điểm của tỉnh Long An (thông xe cuối năm 2023). Nếu ga đường sắt nằm cặp với đường vành đai TP Tân An, việc tiếp cận giao thông của khu vực rất thuận tiện do tiếp cận Quốc lộ 1, Quốc lộ 62, đồng thời sẽ tiếp cận luôn với cao tốc TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hướng tuyến và vị trí ga đã được Bộ GTVT thống nhất trước đó. Tuy nhiên, do quy hoạch của địa phương không có quỹ đất để xây dựng kho bãi, và giao thông tại khu vực đó cũng không thuận tiện, nên chúng tôi đã điều chỉnh và báo cáo để có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Như vậy, chúng tôi đã thống nhất dời 2 vị trí ga nói trên, UBND tỉnh Long An cũng đã làm việc với Ban đường sắt và đã thống nhất cơ bản.
- Theo ông, những thuận lợi và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng đường sắt TPHCM - Cần Thơ?
- Việc quy hoạch tuyến đường sắt cặp theo tuyến cao tốc đường bộ là một thuận lợi. Bởi trong phạm vi cao tốc có hành lang bảo vệ, chúng ta sẽ sử dụng phần hành lang này, giải phóng mặt bằng phạm vi hành lang hiện nay đang quản lý rất thuận lợi và phù hợp.
Như tôi đã trình bày, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đã được quy hoạch từ lâu, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn, nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa thấy triển khai. Vì vậy, khi Bộ Chính trị, Chính phủ đặt vấn đề quyết liệt trong lần này, cho thấy sự quyết tâm nỗ lực từ phía Trung ương, nên các địa phương phải đồng hành, nỗ lực quyết tâm hơn để có tuyến đường sắt từ TPHCM - Cần Thơ.
Đặc biệt, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định xây dựng đường sắt TPHCM - Cần Thơ là dự án trọng điểm quốc gia; Quyết định 2563/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TPHCM - Cần Thơ; các buổi tiếp xúc cử tri đơn vị TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải quyết liệt triển khai tuyến đường sắt này… đã làm người dân vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Long An nói riêng rất phấn khởi, kỳ vọng đường sắt đi về miền Tây sớm trở thành hiện thực.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và lợi thế của khu vực ĐBSCL khi có tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ?
- Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ nằm trong quy hoạch rất lâu, đây là mong mỏi của người dân vùng ĐBSCL, đặc biệt trong đó có tỉnh Long An. Bởi đường sắt khối lượng vận chuyển lớn vừa hàng hóa vừa hành khách, sẽ góp phần làm giảm áp lực các phương tiện giao thông trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường bộ hiện có.
Điều này góp phần giảm tai nạn giao thông, bởi hiện nay mật độ phương tiện lưu thông rất nhiều, hầu hết đều di chuyển bằng đường bộ. Mặc dù chúng ta phát triển có tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận góp phần giảm bớt áp lực trên Quốc lộ 1, nhưng thực tế tốc độ phát triển phương tiện trong nhân dân rất lớn, trong khi đó hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp.
Việc phát triển phương tiện đường sắt TPHCM - Cần Thơ cũng là mong mỏi của những người làm ngành giao thông, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như vận chuyển hành khách, để làm sao từ vùng ĐBSCL tiếp cận với TPHCM và ngược lại. Có tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ là bước đột phá để phát triển vùng ĐBSCL trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải quyết liệt triển khai tuyến đường sắt này… đã làm người dân vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Long An nói riêng rất phấn khởi, kỳ vọng đường sắt đi về miền Tây sớm trở thành hiện thực.