Hồ thủy điện Ialy ở Tây Nguyên đã cạn trơ đáy vào ngày 10-5. Ảnh: EVN cung cấp |
Nhiều hồ thủy điện đang cạn nước
Ngày 10-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, trong 4 tháng đầu năm, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở phía Bắc chỉ bằng 60-70% trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện ở miền Trung và miền Nam cũng có lượng nước về kém. Đến đầu tháng 5-2023, nhiều hồ thủy điện đã xuống mực nước thấp, có nguy cơ gây thiếu điện trong thời gian tới. Cụ thể, 10 hồ thủy điện thuộc EVN (gồm: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3 và sông Ba Hạ) và nhiều hồ thủy điện của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 4.500MW).
Đến nay, sản lượng còn lại trong hồ của toàn hệ thống chỉ đạt 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch và thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 5 đến 7-2023, dòng chảy đến các hồ chứa trên sông Đà, sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 10-30%; trên sông Thao và sông Lô thiếu hụt 20-50%. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên thấp hơn trung bình cùng kỳ 20-60%. Từ tháng 5 đến tháng 7-2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10%.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tại miền Bắc mới chỉ xuất hiện 1-2 trận mưa to, song lưu lượng cũng chỉ trên dưới 100mm. Nhiều nơi vẫn đang khô khát. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra từ khoảng tháng 6 hoặc 7 và kéo dài đến đầu năm 2024, đi kèm nắng nóng, nền nhiệt tăng cao, lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. EVN nhận định, nếu tình hình này kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Nắng nóng đồng nghĩa nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao. Qua theo dõi tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, mặc dù đợt nắng nóng gay gắt đầu tháng 5-2023 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc, nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện của miền Bắc và cả nước đã lên rất cao. Điển hình như ngày 6-5, công suất tiêu thụ toàn quốc lên tới trên 43.300MW và sản lượng tiêu thụ cũng lên hơn 895 triệu kWh. Dự báo trong các tháng 5, 6 và 7, phụ tải hệ thống điện quốc gia sẽ tăng cao hơn kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công thương phê duyệt.
Tiết kiệm để ứng phó
EVN tính toán, trong các tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, có thể xảy ra các tình huống cực đoan như công suất cực đại (Pmax) ở miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (trong các ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mực nước tại các hồ thủy điện lớn giảm sâu... Khi đó, hệ thống điện miền Bắc sẽ có tình trạng “rất khó khăn về nguồn điện” trong các tháng 5 và 6, nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm. Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp thì tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong các tháng tiếp theo.
Để ứng phó nguy cơ thiếu điện, EVN tiếp tục đề nghị người dân triệt để tiết kiệm điện, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối. Cụ thể, buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 14 giờ 30, buổi tối từ 20 giờ đến 22 giờ. Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị người dân sử dụng điện hiệu quả hơn; các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sang năng lượng xanh, sử dụng các thiết bị, máy móc tiêu hao ít năng lượng hơn… trong bối cảnh giá điện vừa được điều chỉnh tăng 3% kể từ ngày 4-5, để tránh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị điện lực ở khu vực miền Bắc cho biết, sẽ lập kế hoạch cung cấp điện các tháng, nhất là trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 8), đồng thời thông tin sớm cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất, tránh thiệt hại do sự cố điện ảnh hưởng từ nắng nóng gây ra.
Dự báo hiện tượng El Nino có xác suất khoảng 70- 80% bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2023, có thể kéo dài đến đầu năm 2024. Đây là thông tin cảnh báo được Tổng cục Khí tượng - thủy văn công bố chiều 10-5. Khi xảy ra El Nino, số đợt không khí lạnh ở nước ta sẽ ít hơn, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ hơn mùa hè, miền Nam chịu ảnh hưởng rõ hơn miền Bắc.
El Nino cũng gây thiếu hụt lượng mưa tại hầu hều các vùng trên cả nước và làm tăng các đợt mưa bất thường, kỷ lục và tăng số tháng thiếu mưa liên tục tại Việt Nam.