Đề cập đến chủ đề an ninh, quốc phòng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Afghanistan vừa diễn ra đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào những tình thế khó khăn, bất lực khi phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng quân đội Mỹ trong chiến dịch di tản, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen nhận định, châu Âu không hề thiếu nguồn lực mà điều quan trọng nhất là thiếu quyết tâm chính trị.
Điều này khiến cho các nguồn lực của EU bị tản mát và không được sử dụng đúng mục đích, trong khi môi trường an ninh quốc tế ngày càng đòi hỏi khối này phải trực tiếp hành động nhiều hơn để bảo vệ các lợi ích và giá trị của mình.
“Sẽ có những nhiệm vụ mà NATO hay Liên Hợp Quốc sẽ không hiện diện nhưng EU cần tham dự. Châu Âu có thể kết hợp các lực lượng quân sự và dân sự cùng với sứ mệnh ngoại giao và phát triển. Châu Âu cũng có một lịch sử dài trong việc xây dựng và bảo vệ hòa bình. Tin tốt là trong vài năm qua châu Âu đã bắt đầu phát triển một hệ sinh thái quốc phòng nhưng cái mà chúng ta cần bây giờ là một Liên minh quốc phòng châu Âu”.
Để đẩy mạnh mục tiêu tham vọng đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, sắp tới khi nước Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU từ đầu năm 2022, Ủy ban châu Âu cùng Pháp sẽ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh về quốc phòng của Liên minh châu Âu. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong việc xây dựng sự tự chủ chiến lược của châu Âu về an ninh quốc phòng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và NATO.
Ngoài tuyên bố đáng chú ý về quốc phòng, trong thông điệp hàng năm đọc trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, bà Ursula von der Leyen cũng đề cập đến nhiều chính sách quan trọng khác mà EU dự tính tiến hành trong thời gian tới như y tế và môi trường.
Với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, châu Âu cam kết tài trợ thêm 4 tỷ euro cho các nước nghèo, từ nay đến năm 2027. Hiện hàng năm châu Âu đóng góp khoảng 25 tỷ euro cho các quỹ chống biến đổi khí hậu trên thế giới.
Đối với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, bà Ursula von der Leyen cho biết, EU cam kết tài trợ thêm 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước, bên cạnh 250 triệu liều đã cam kết trước đó. Châu Âu cũng sẽ đầu tư 50 tỷ euro từ nay đến năm 2027 để cải thiện hệ thống y tế trong khối, nâng cao mức độ sẵn sàng ứng phó với các đe dọa y tế trong tương lai.
Về vấn đề kinh tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của châu Âu với các đối thủ lớn như Mỹ và Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược, châu Âu sẽ ban hành “Đạo luật về chíp” nhằm xây dựng một hệ sinh thái châu Âu lớn mạnh từ nghiên cứu đến sản xuất chíp bán dẫn. Trước đó, trong năm 2020, châu Âu cũng đã dự tính dành 1/5 trong tổng số 750 tỷ euro của Quỹ phục hồi hậu đại dịch để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.